Thận trọng khi tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương
- Phục dựng lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số năm 2005
- Đà Nẵng phục dựng lễ hội Mục đồng
- Tưng bừng lễ hội Cổ Loa1
Cổ Loa là nơi Ngô Quyền chọn để định đô mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tưởng niệm ông. Tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô theo nghi thức truyền thống là cần thiết nhưng phải được triển khai một cách cẩn trọng.
Đó là khẳng định và cảnh báo của hầu hết các nhà nghiên cứu trong tọa đàm khoa học: “Nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa” tại Hà Nội ngày 3-10.
Theo GS.TS. Bùi Quang Thanh, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ngô Quyền là một nhân vật lịch sử đặc biệt, đã xưng vương và làm vua đến 6 năm (939 – 944), đóng đô tại Cổ Loa, được coi là Tổ trung hưng thứ hai trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.
Tuy nhiên, hơn nghìn năm qua, tại không gian văn hóa cổ thành là Cổ Loa – nơi hiện diện đền thờ An Dương Vương, Cao Lỗ, Mỵ Châu đã cùng diễn trình lễ hội được tổ chức thường niên một cách hoành tráng với sự tham gia trực tiếp của “bát xã Loa Thành” nhưng lại không còn dấu ấn, dấu tích nào liên quan đến Ngô Quyền và triều đại nhà Ngô thế kỷ X.
Việc xây lập đền thờ, tổ chức lễ hội cùng các hình thức thực hành nghi lễ gắn với chủ điện thờ Ngô Vương là hoàn toàn mới và phải bắt nguồn từ ý thức hướng tâm truyền thống, nối kết với truyền thống tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân có công lao với dân với nước trên tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc và từ cơ sở của văn hóa truyền thống, hướng đến mục tiêu “sáng tạo truyền thống trong đương đại”, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, hiện tại và lâu dài…
Để đảm bảo có những cứ liệu văn hóa truyền thống hỗ trợ cho việc sáng tạo truyền thống tôn vinh, tri ân của cộng đồng với Ngô Quyền tại không gian văn hóa Cổ Loa, cần có sự khảo sát, nghiên cứu để tiếp thu mang tính kế thừa từ các địa bàn thực hành tín ngưỡng, sinh hoạt nghi lễ và lễ hội gắn với việc phụng thờ các đời vua đã và đang diễn ra ở một số tỉnh, thành của Việt Nam.
Trong định hướng cho phạm vi và cấp độ xây dựng nghi thức tế lễ, cần xác định việc tôn vinh, tri ân những anh hùng dân tộc có công lao đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc từ nhiều nghìn năm qua đã và đang là truyền thống của các cộng đồng, trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Việc tổ chức sáng tạo cách thức thực hành tín ngưỡng và thực hành các nghi lễ trong không gian thiêng phụng thờ Ngô Quyền, cộng đồng người dân vẫn là lực lượng nòng cốt, vừa với tư cách của thành phần làm chủ, trực tiếp thực hành, vừa với tư cách người trực tiếp thụ hưởng các giá trị văn hóa đó và trao truyền qua các thế hệ hậu sinh.
Riêng với hoạt động tín ngưỡng và thực hành nghi lễ tại không gian văn hóa Cổ Loa trong phạm vi phụng thờ Ngô Quyền, có thêm sắc thái và vai trò chủ trì của quản lý nhà nước về mặt văn hóa.
Cổ Loa là nơi tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô theo nghi thức truyền thống. |
Bày tỏ sự đồng tình về chủ trương nói trên nhưng GS.TS. Lê Hồng Lý, đại diện Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đặt vấn đề: Cần xem xét việc xây dựng phần lễ trong lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa như thế nào. Bởi lẽ, để xây dựng được phần lễ trong một lễ hội thì việc nghiên cứu là vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng.
Ngoài việc tế lễ bài bản theo một mô hình có sẵn, có thể tham khảo ở các tài liệu đã công bố thì vấn đề khó khăn nhất là xây dựng và tìm ra được các nghi lễ liên quan đến nét riêng của lễ hội này. Như vậy cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ nhiều vấn đề.
Trong đó, tất cả những nghi lễ buộc phải được xem xét trong bối cảnh không gian cụ thể nơi diễn ra lễ hội và các nhà quản lý, tổ chức cần có sự kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, cộng đồng cư dân địa phương trong quá trình triển khai. Mặt khác, đây là một lễ hội mới nên việc xây dựng các nghi lễ và trò diễn cần làm dần từng năm, sau đó rút kinh nghiệm, thăm dò sự tham gia cũng như ý kiến của cộng đồng rồi bổ sung, chỉnh sửa, trở thành một nét đặc trưng và bền vững cho lễ hội.
Nhấn mạnh về phần hội của lễ hội, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để tổ chức lễ hội này, trước hết phải xây dựng đề án cụ thể. Trong đó, ngoài phần nghi thức, nghi lễ của lễ hội, việc tổ chức phần hội cũng đóng một vai trò không kém quan trọng.
Việc tổ chức các hoạt động của lễ hội phải gắn với Ngô Quyền và các sự kiện có liên quan đến triều đại nhà Ngô nhưng cũng không nên quá máy móc khi đi tìm những hoạt động mang tính nguyên gốc. Vì di sản còn là một sản phẩm của thời hiện tại, phát triển nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của hiện tại và được định hình bởi những yêu cầu ấy.
Các hoạt động cho lễ hội Ngô Quyền cần phải được cân nhắc cẩn thận để tránh việc quá đề cao tính chân thực làm ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, sự tồn tại và phát triển của di sản.
Về vấn đề này, TS. Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.
Đây sẽ là nguồn tư liệu khoa học và thực tế để xây dựng cách thực hành nghi lễ phụng thờ Ngô Quyền tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa, làm cơ sở để tiến tới tổ chức lễ kỷ niệm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa thường niên, tương tự như lễ kỷ niệm vua Lê Thái Tổ đăng quang tại đền thờ vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm lịch sử.