Cấm hát nhép, hát trên nền nhạc thu trước trong Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- Hát nhép và danh dự người nghệ sỹ
- Hát nhép, mặc phản cảm bị cấm biểu diễn đến 2 năm
- Cấm hát nhép: Chuyện khó có hồi kết
Diễn ra từ ngày 26 đến 28-9, liên hoan do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Hà Nội với mô hình mới. Theo đó, các tác phẩm được ban tổ chức lựa chọn, dàn dựng, phối khí và thể hiện bởi Dàn nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và các nghệ sĩ. Hát nhép và hát trên nền nhạc thu âm trước sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Chia sẻ về quyết định này, PGS.TS Đỗ Hồng Quân khẳng định, đây là hoạt động cần thiết để các tác phẩm trình diễn một cách chuyên nghiệp với hiệu quả nghệ thuật tốt nhất, dù rằng, để thực hiện được, ban tổ chức mất rất nhiều thời gian, tâm sức, kể cả nhân lực, vật lực. Cụ thể, tham gia liên hoan lần này có 150 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 31 tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế đổ về Hà Nội. 43 tác phẩm được biểu diễn tại liên hoan đều là tác phẩm do các nhạc sĩ mới sáng tác trong 2 năm 2017 -2018 và là những sáng tác trên giấy. Muốn đưa lên sân khấu, ban tổ chức phải nhờ chuyển soạn và chuyển bản này cho nghệ sĩ biểu diễn.
Ban tổ chức trao đổi với báo chí về Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 |
Lâu nay, tình trạng hát trên nền nhạc thu âm trước, thậm chí hát nhép rất phổ biến, kể cả nhiều chương trình lớn. Nhiều liên hoan, cuộc thi cũng sử dụng nền nhạc thu âm trước. Muốn có bản thu âm, nhạc sĩ sẽ phải tốn kém chi phí để đầu tư thực hiện. Chưa kể, hoạt động này thuận lợi cho người biểu diễn nhưng chưa phản ánh thực chất hoàn toàn chất lượng nghệ thuật tác phẩm. Vì vậy, tại liên hoan lần này, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn trên nền nhạc sống do các nhạc công biểu diễn trực tiếp tại sân khấu. Chọn cách thể hiện này, ban tổ chức đã phải huy động nghệ sĩ của 10 đơn vị nghệ thuật lớn của khu vực phía Bắc tham gia.
Dự kiến, có 43 tác phẩm, trong đó có 40 tác phẩm thanh nhạc và 3 tác phẩm khí nhạc (nhạc không lời) được trình diễn tại liên hoan. Đây là số tác phẩm được ban tổ chức lựa chọn từ 108 tác phẩm do các hội đồng tuyển chọn của 31 tỉnh thành gửi về cho ban tổ chức. Các tác phẩm đều tập trung cho chủ đề về giữ gìn biển đảo quê hương Việt Nam và thành tựu xây dựng nông thôn mới.
Lễ khai mạc và biểu diễn các tác phẩm diễn ra vào tối 26 và 27-9 tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội vào ngày 28-9.