Hát nhép và danh dự người nghệ sỹ

Thứ Hai, 11/06/2012, 11:54
Dù với bất cứ lý do gì, việc ca sĩ hát nhép trên sân khấu là không tôn trọng khán giả và không tôn trọng chính mình.

Tình trạng hát nhép của nhiều ca sĩ thời gian qua bị lên án nhiều nhưng vẫn xảy ra. Việc hát nhép hầu hết chỉ xảy ra ở những người được gọi là “ca sĩ” nhưng kém cả tài năng lẫn lòng tự trọng, nên phải mượn kỹ thuật để “mông má” giọng hát, đánh lừa khán giả, với mục đích kiếm tiền và tạo sự nổi tiếng. Nhạc sĩ Giáng Son và ca sĩ Tấn Minh không đồng tình với tình trạng này và cho rằng, hát nhép chủ yếu là các ca sĩ mới vào nghề, trình độ non, hát kém nên phải dựa vào kỹ thuật phòng thu để nâng giọng lên, chứ không dám hát thật.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp mới đây, PGS.TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội, băn khoăn khi trong số các ca sĩ hát nhép thời gian gần đây, đáng buồn là còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, thậm chí cả NSND, NSƯT. Số ca sĩ này đã qua thời hoàng kim, không còn hát được nữa, vì sức khỏe, vì chất giọng, nhưng vẫn muốn xuất hiện vì những mục đích cá nhân. Thậm chí, có người còn đăng ký hát 25 bài trong một đêm, để rồi, chỉ hát được 5 bài đã… hụt hơi. Vì thế, đã dẫn đến việc hát nhép và như thế, khán giả đã bị lừa khi chỉ được xem nghệ sĩ đó hát, chứ không phải để thưởng thức giọng hát của người ca sĩ một thời tên tuổ. Như thế, khán giả phải bỏ ra tiền thật để chỉ nghe hát không phải là “hát sống” tại chỗ. Ca sĩ Thái Thùy Linh ví dụ rất cụ thể: “Vũ công phải nhảy thật dù trời mưa, sân khấu trơn trượt, trong khi ca sĩ cát-xê cao hơn lại hát nhép là không công bằng”.

Điều quan trọng hơn nữa là, hát nhép chính là sự tự hủy hoại tên tuổi của người nghệ sĩ đã thành danh, bởi một số khán giả có thể không biết, nhưng những khán giả sành nghệ thuật biểu diễn, rồi bao người trong nghề, vẫn biết. Hình ảnh ấy, sẽ bị hoen ố trong mắt thế hệ ca sĩ trẻ, thậm chí, người ta có thể lên tiếng: nghệ sĩ lớn còn hát nhép, nữa là tôi!

Cũng theo cơ quan quản lý, một số nghệ sĩ tên tuổi tham gia biểu diễn, nhưng tìm đủ lý do để không xuất hiện khi duyệt chương trình, có lúc thì là vì biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, lúc thì vì lý do sức khỏe, khiến cơ quan quản lý cũng nhiều khi lúng túng trong ứng xử với các nghệ sĩ này.

Vài năm trước, NSND Thanh Hoa từng làm một live show, sau đó, một số người tỏ ý thất vọng vì giọng hát của bà đã không còn được như trước nữa ở phần cuối chương trình. Nhưng, điều đáng trân trọng ở người nghệ sĩ lớn này là, bà đã hát bằng giọng hát thật của mình, chứ không phải dùng kỹ thuật thu âm thay thế. Bởi trước hết, bà tôn trọng khán giả và tôn trọng chính mình!

Nhiều người đã băn khoăn với câu hỏi: Khi nghệ sĩ nổi tiếng không hát được nữa, thì có nên tham gia quá nhiều chương trình không? Chúng tôi đồng tình với gợi ý của PGS.TS Phạm Quang Long: khi nghệ sĩ đã không còn khả năng hát bằng giọng thật, thì không nên cố tình níu kéo hình ảnh bằng việc xuất hiện mà lại hát nhép. Điều này, vừa gây hại cho tên tuổi của ca sĩ, vừa gây khó cho nhà quản lý. Khi đã nhận lời tham gia chương trình, càng là nghệ sĩ được công chúng biết đến, càng phải tự trọng và gìn giữ tên tuổi của mình, để thực hiện đúng các quy định về duyệt chương trình và không hát nhép, để làm gương cho ca sĩ trẻ

Thanh Hằng
.
.
.