Nghệ sĩ Đức Hùng: Tết là một báu vật

Thứ Hai, 08/02/2021, 11:50
Nghệ sĩ Đức Hùng vốn xuất thân từ nghệ sĩ rối nước, hiện anh đang là Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Không những thế, độc giả và khán giả còn biết rõ về anh là một nhà thiết kế thời trang lớn. Đức Hùng cũng tham nhiều show thời trang, phim ảnh và đặc biệt với anh một chàng trai sinh ra từ phố cổ Hà Nội, Tết có một ý nghĩa tinh thần rất lớn.

Nghệ sỹ Đức Hùng là thế hệ kế thừa thứ 4 trong căn nhà số 9 phố Hàng Đậu của gia đình anh. Cũng trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm ấy, anh có một tuổi thơ ấm áp và bố mẹ anh đã truyền dạy cho anh nhiều điều, để đến giờ, anh vẫn là người kế thừa và duy trì nhiều nền nếp gia phong đáng quý đó.

Căn nhà của gia đình anh được thiết kế theo kiểu tân cổ điển, hiện tọa lạc ở giữa khu phố cổ Hà Nội đông đúc. Môi trường ấy, nếp nhà ấy đã tạo nên một nghệ sĩ Đức Hùng yêu truyền thống và yêu Tết. 

Chính vì vậy, những đồ vật trong căn nhà cũng luôn được anh chăm chút và mua sắm theo tiêu chí tân cổ điển ấy, từ chiếc tủ, chiếc đồng hồ, hay bức tranh treo tường… nơi đây cũng là nơi anh làm việc, sáng tạo nên những bộ thời trang nổi tiếng cũng như điểm gặp gỡ của nhiều nghệ sĩ, diễn viên làm nghề, những người mẫu, nghệ sĩ đã cùng anh mang những tà áo dài Việt ra với thế giới. 

Vào một ngày mùa đông lạnh giá, ngồi trò chuyện với chúng tôi, nghệ sỹ Đức Hùng diện một chiếc áo nhung the thân dài, vô cùng thời trang và ấm áp. Anh nói về Tết một cách say sưa và thích thú.

Chia sẻ về Tết có lẽ là khơi đúng mạch nước ngầm trong con người luôn yêu thích Tết như anh. Anh nói có lẽ cái không khí dịp Tết vào những ngày giữa đông rét mướt như thế này là không khí đậm đặc Tết nhất và nó mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc.

Lệ thường, khi cơn gió đông buốt giá ùa về, từ ngày 23 ông Công ông Táo về trời là nghệ sĩ Đức Hùng đã gác hết mọi việc chỉ để chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền. 

Với con người sinh ra ở phố cổ như anh, trong một gia đình có truyền thống sắm sửa những cái Tết thật cầu kỳ, kỹ càng, đúng với phong tục Tết truyền thống, điều đó đã ngấm vào anh từ bé. Đến giờ, là một người đàn ông trưởng thành, ngoài ngũ tuần, khi cha mẹ đã đi xa, thì Đức Hùng – người đã thừa kế và duy trì vẹn nguyên nếp nhà ấy.

Trong  cái Tết cổ truyền, việc chuẩn bị mâm cơm tất niên bao giờ cũng được chuẩn bị chu đáo. Và trong gia đình nghệ sĩ Đức Hùng cũng như những gia đình người Hà Nội xưa vẫn duy trì đến ngày hôm nay, mâm cỗ cúng tất niên luôn được chuẩn bị cầu kỳ, chu đáo.

 Mâm cỗ tất niên ngày cuối năm trong gia đình anh bao giờ cũng được cả gia đình tập trung chuẩn bị. Khi xưa thì là cha mẹ chuẩn bị, anh là thằng bé con đứng phụ giúp và học hỏi; còn giờ đây là vợ chồng anh và các con. Và cái khung cảnh ấm áp cả gia đình xúm xít trong bếp chuẩn bị bữa cơm tất niên ấy luôn luôn là kỷ niệm đẹp đẽ trong anh. 

Mùi khói nồng đượm, mùi thức ăn của đủ các hương vị, màu sắc. Chỗ này cha anh chuẩn bị đồ cúng, chỗ kia mẹ anh nấu đồ ăn, còn anh chạy loanh quanh, làm việc theo sự chỉ bảo của bố mẹ. Các chị gái cũng tham gia vào những công việc ấy. Không có cái không khí nào ấm áp hơn thế. 

Mâm cỗ tất niên là những món rất truyền thống, đặc trưng trong ngày Tết và theo anh phải 3 bát nấu gồm: Bát canh mọc bóng, bát măng, bát miến và 6 đĩa gồm đĩa giò, chả, xôi, chè kho, hạnh nhân, món xào ngũ sắc. Tất cả được đặt vào mâm bát bằng gốm Bát Tràng men xanh, trên chiếc mâm đồng… 

Mỗi món ăn một màu sắc: Màu vàng của chả quế, đỏ của xôi gấc, xanh của bánh chưng, bát canh măng nóng hổi thơm mùi nấm và hành; mâm cơm ấy được cung kính đặt trên ban thờ tổ tiên, với hoa đào đang hé nụ, đâm chồi. Mùi thơm của hương, màu đỏ của đèn nến và một không khí trang nghiêm nơi ban thờ. 

Anh đặt lên bàn thờ, cúng ông bà, tổ tiên với tất cả tấm lòng thành kính, Tất cả hình ảnh ấy, ký ức ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, là một thông lệ không thể khác… Việc sắp xếp mâm cơm của những gia đình Hà Nội gốc luôn tinh tế, kỹ càng. Tất cả thể hiện nét văn hóa, có cả tình yêu, một sự truyền thống về giáo dưỡng.

Nói đến Tết, không thể không nói đến hoa Tết, đặc biệt là cành đào, là thứ hoa đặc trưng Tết của người miền Bắc. Đào có nhiều loại, nhưng nghệ sĩ Đức Hùng chơi đào Nhật Tân, và phải là đào bích. Đào bích chỉ có ở Nhật Tân. Đây là loại đào kép, hiếm, màu đượm, lá kép, nhìn như bông hoa cúc. “Một cành đào bích nhỏ anh còn thích hơn cành đào phai”. Đào bích có gì đó sum vầy, màu đượm, nhiều lá, cánh, có nhụy vàng rất rõ, chắc chắn xưa cũ; còn đào đơn thì mỏng manh theo mùa xuân.

Nghệ sĩ Đức Hùng cùng gia đình chuẩn bị mâm cỗ Tết truyền thống.

Trước đây tự tay anh đi mua nhưng giờ đây hai con gái dưới sự chỉ bảo của bố đã biết tự đi mua đào, chọn đào. Mua đào, không chỉ là chọn đào, mà còn là chọn vía người bán hàng. “Anh tự đi ra chợ?”. “Ừ. Anh tự ra chợ. Vui mà. Có những hôm đi ra chợ nhưng chẳng chọn được gì lại đi về. Bận gì thì bận nhưng năm, ngày cuối cùng của năm từ ngày ông Công ông Táo là anh dành  trọn vẹn cho những cái gì liên quan đến Tết. 

Không khí Tết đến sớm hơn nơi phố cổ, vì xưa xửa là xưa, Hà Nội nhỏ bé chỉ trong lòng phố cổ, tất cả mọi thứ từ phố cổ mà ra. Tận cùng Tết dân gian là ở trong lòng phố cổ. Hình ảnh người hóa vàng ngày Tết trong lòng phố cổ thú vị lắm. Nhiều khi mưa xuân bụi bay bay, ánh lửa hóa vàng bập bùng, và người người, nhà nhà đều rộn ràng. Khu phố cổ nhà nhỏ, lúp xúp buôn bán, hàng xóm láng giềng hỏi thăm nhau chuẩn bị Tết đến đâu rồi, … 

Cứ trước cửa nhà nhà, ai cũng hóa vàng, rất thân quen. Chẳng bao giờ anh nghĩ trong đầu anh là anh sẽ đi ra khỏi Hà Nội trong ngày Tết. Mọi người đi hết, ở lại một mình với Hà Nội, sáng mùng 1 cả nhà dậy từ 6 giờ để tận hưởng không khí, góc phố vắng ngắt. Cảm xúc lúc đó đặc biệt lắm, khó nói, nhưng cảm giác nó là của mình, mình đang sở  hữu một Hà Nội của riêng mình. 

Khoảng 8 giờ, đường phố lại bắt đầu đông trở lại. Cả nhà vào mâm cơm sáng mùng 1. Sáng mùng 1 phải đi lễ. Năm nào cũng thế, đi giao thừa Bờ Hồ xem bắn pháo hoa, rồi vào lễ chùa Bà Đá, sau đó người Hà Nội bao giờ cũng đi tứ trấn: Đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Voi Phục, rồi đền Quán Thánh. Tất cả mọi việc cứ lặp đi lặp lại trong bao nhiêu cái Tết. Không thể khác, nếu khác đi nó như thiếu cái gì đấy”.

Tết ngày bé của anh còn là kỷ niệm được đi xích lô chơi Tết. Mẹ anh hay cho anh đi xích lô vào dịp Tết, và anh cũng duy trì nếp ấy khi các con anh còn bé. “Em nhìn thấy mẹ anh rồi đúng không. Mẹ anh đẹp lắm. Thời trẻ, mẹ hay vấn tóc và thường đi guốc nhung”. 

Cũng theo truyền thống, cứ Tết cổ truyền là các anh chị em lại tập trung. Chị gái, anh rể đều là ở tuổi ngoại lục tuần, nhưng Tết đến bao giờ cũng diện áo dài nhung, áo the. Anh chị em gặp gỡ sum vầy; rồi chia sẻ, rồi nói chuyện. Nhiều câu chuyện như quay lại tuổi thơ, như khi bố mẹ còn sống, trong chính căn nhà mấy anh chị em đã lớn lên, căn nhà số 9 Hàng Đậu này.

Chàng trai phố cổ, nghệ sĩ Đức Hùng vẫn luôn tự hào mình được sinh ra từ một gia đình truyền thống, được sinh ra từ phố cổ, để lúc nào đó, khi không đứng trên sân khấu, trên phim ảnh với những bộ cánh lịch sự thì khi “lê la” vỉa hè, anh vẫn được diện quần bò, áo phông hay quần soóc, dép tông khi đi lang thang phố, được xúm xít uống nước trà nóng và “ăn vặt”, lang thang những ngày giáp Tết cho thỏa thích.

Năm mới, chúc nghệ sĩ Đức Hùng có một sức khỏe để luôn giữ được tinh thần Tết và truyền lại cái tinh thần ấy cho những thế hệ trẻ sau luôn yêu Tết Việt và yêu những gì thuộc về giá trị truyền thống.

Ngô Chuyên
.
.
.