Đạo diễn Đặng Nhật Minh và những ký ức về cha, Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Thứ Ba, 13/02/2018, 17:55
Trải qua bao tháng năm, khi đọc lại tất cả những bức thư và những ký ức của mẹ cha, những câu chuyện thăng trầm đổi thay trong cuộc đời con người, chính là nỗi đau lớn, là những ký ức không nguôi ngoai trong đời đạo diễn Đặng Nhật Minh, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sáng tác của ông sau này trong điện ảnh...

Ông đến với điện ảnh như một sự tình cờ của số phận, nhưng rồi chính sự tình cờ ấy, đã mang đến cho ông cả một cuộc đời đầy đổi thay và biến động. Nhờ có sự đi ngang ấy, điện ảnh có thêm một đạo điễn Đặng Nhật Minh tài năng với những thước phim nổi tiếng không chỉ đối với trong nước, mà vượt ra khỏi bờ cõi, đến với thế giới. 

Đó là những thước phim mang đậm dấu ấn Việt Nam: "Bao giờ cho đến Tháng Mười", "Hà Nội mùa đông năm 1946", "Mùa ổi", "Đừng đốt", "Thương nhớ đồng quê"...

Quán cà phê quen thuộc trên phố Lò Đúc gần nhà, là nơi ông vẫn thưởng trà, cà phê mỗi buổi sáng theo thói quen nhiều năm nay. Đạo diễn Đặng Nhật Minh không thích sự ồn ào, ông trầm lắng và tĩnh tại trước cuộc sống ầm ào biến động từng giây ở ngoài kia. Ông bảo, ở tuổi 80, ông đã làm tròn phận sự với điện ảnh, với cuộc đời mình. Dường như với ông, mọi thành công trong cuộc sống, trong phim ảnh đều là những định mệnh mà ông phải mang bên mình.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại: Quê nội ông ở An Cựu và quê ngoại ở làng Lại Thế. Bà nội ông kể: Đám cưới cha mẹ ông là một đám cưới chạy tang. Mẹ ông đã khóc rất nhiều trước khi về nhà chồng để rồi không lâu sau trở lại nhà mình để chịu tang cha. Phải chăng vì sự khởi đầu như vậy nên cuộc sống chung của hai người vui ít buồn nhiều. 

Sau khi bác sĩ Đặng Văn Ngữ tốt nghiệp bác sĩ Y khoa ở Hà Nội vào năm 1936 đã cùng một số bác sĩ cùng khoá mở phòng khám bệnh tư. Nhưng rồi không lâu sau bác sĩ Đặng Văn Ngữ thôi hẳn để chú tâm vào công việc nghiên cứu và làm trợ giảng tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. 

Lương của trợ giảng lúc đó có 60 đồng, trong lúc làm bác sĩ tư thu nhập gấp mười lần hơn, do đó vợ ông phải làm bánh để bỏ mối, tăng thêm thu nhập cho gia đình (lúc này đã sinh đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng hai em gái nhỏ). Nhưng những ngày sum họp hạnh phúc ấy rất ngắn ngủi. 

Năm 1943, khi đang làm trợ giảng tại Trường Y thì bác sĩ Đặng Văn Ngữ được chính phủ Pháp cử sang nghiên cứu tại Trường Đại học Y khoa Tokyo trong khuôn khổ trao đổi  nghiên cứu sinh giữa hai nước Pháp – Nhật như một đại diện xuất sắc của nền y học Pháp tại Đông Dương. 

Gia đình ông ở Huế là một gia đình phong kiến theo đạo Khổng Mạnh, lấy sự thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ làm lẽ sống, lấy chữ Hiếu làm đầu, hoàn toàn xa lạ với môi trường nghệ thuật. Trong nhà chỉ toàn những người làm nghề y và nghề dạy học, thích ngâm thơ, yêu truyện Kiều, ca dao tục ngữ và những câu hò xứ Huế. 

Gia đình Giáo sư Đặng Văn Ngữ năm 1952.

Có lẽ vì thế mà đạo diễn Đặng Nhật Minh thuộc Chinh phụ ngâm trước khi biết Truyện Kiều là do mẹ ông hay đọc cho ông nghe từ nhỏ. Những năm 40, việc một  người phụ nữ trẻ, một nách ba con, con nhỏ nhất mới hơn một tuổi, vừa nuôi con vừa chăm sóc bố mẹ chồng, sống cô đơn ròng rã suốt bảy năm trời. Mẹ ông chờ chồng 7 năm, nhưng 7 năm ấy đối với bà là một chuỗi ngày dài đằng đẵng. Còn đối với đạo diễn Đặng Nhật Minh 7 năm ấy là cả một miền ký ức vô tận của tuổi thơ...

Trong những ngày chiến tranh leo thang ra miền Bắc, cha ông, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin, vẫn tiếp tục đi về các địa phương chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng nếu không ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia vĩ tuyến 17 thì không thể nào giữ được thành quả của công cuộc chống sốt rét ở miền Bắc. 

Những tin tức về con số thương vong to lớn do sốt rét gây ra cho bộ đội ta ở chiến trường càng làm Giáo sư Đặng Văn Ngữ ngày đêm day dứt không yên. Cuối cùng ông đã đi đến một quyết định không gì lay chuyển được: vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu tại chỗ một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay tại chỗ cho bộ đội. Nhưng ông chưa tìm ra được vắc xin miễn dịch sốt rét cho họ thì ông đã chia sẻ với họ cái chết. Ông đã mất trong một trận bom B52 ở phía Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. 

Đó là nỗi đau lớn trong đời đạo diễn Đặng Nhật Minh, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sáng tác của ông sau này trong điện ảnh. Người đầu tiên báo cho đạo diễn Đặng Nhật Minh và em gái ông Đặng Nguyệt Ánh cái tin này là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế hồi đó. 

Ông nói: "Các cháu phải can đảm để đón nhận cái tin đau đớn này: Ba các cháu đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên vào lúc 2 giờ ngày 1 tháng 4 năm 1967". Cái tin đó đối với tôi quá đột ngột. Nó như một cơn bão ập đến quá nhanh khiến đạo diễn Đặng Nhật Minh không còn đủ tỉnh táo để nhận thức được những gì đã xảy ra. Khi đang ở trong tâm bão người ta không hình dung ra hết được sức mạnh của cơn bão. 

Đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Em gái thứ hai của đạo diễn là Đặng Nguyệt Quý lúc đó đang học ở Liên Xô không chịu đựng được nỗi đau này, đã lâm bệnh rồi mất sau đó hai năm. Lúc đó nó đạo diễn Đặng Nhật Minh 28 tuổi. Một tháng sau ông nhận được lá thư của Giáo sư Đặng Văn Ngữ từ nơi tập trung ở Hoà Bình gửi về trước khi vào chiến trường. Đó là lá thư cuối cùng giáo sư đã viết cho các con. Lá thư như sau:

Nhật Minh và Phương Nghi yêu quý của ba!    

Ba hôm nay lên đường. Hai con ở lại công tác tốt, học tập tiến bộ và nuôi dạy cháu Nhật Tân khoẻ ngoan.

Thời gian bồi dưỡng ở chỗ tập trung ba luôn luôn mạnh khoẻ. Mang ba lô, leo dốc được như mọi người. Ba đem theo thừa một số tiền, ba mua một cái đồng hồ đeo tay gửi về để tặng Nhật Minh. Các con chuyển lời chào và chúc Tết của ba đến ông cụ của Phương Nghi.

Ba

Đặng Văn Ngữ

Chú ý: Ngày đi của ba phải giữ rất bí mật trong thời gian 2 tháng. Sau Tết, hôm nào rỗi các con đến Viện, hỏi chìa khoá ở đ/c Hùng để vào phòng ba sắp xếp áo quần cho gọn. Có mấy chiếc tất chưa giặt, con giặt hộ. Trong phòng vẫn để đồ đạc như lúc ba còn ở nhà (trải tấm trùm giường lên giường, để  khăn bàn và bộ đồ trà như thường lệ).

Giáo sư Đặng Văn Ngữ nằm trên Trường Sơn lặng lẽ suốt hai mươi năm cho đến khi tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông như mộ một người lính vô danh. Trong gói vải dù bọc một ít di hài của ông chỉ có một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ 14-1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ nào đó chưa rõ tông tích nên đã quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. 

Ông còn nằm đó thêm 5 năm nữa cho đến khi gia đình đạo diễn tìm ra được. Suốt 5 năm đó người chăm sóc hương khói cho Giáo sư Đặng Văn Ngữ là các thầy, cô giáo cùng các em học sinh Truờng Tiểu học xã Phong Mỹ. Ngôi trường nằm ngay cạnh nghĩa trang chỉ cách một con đường. 

Cảnh trong phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Hằng năm cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày Quốc khánh, ngày Tết, thầy trò của trường sang quét dọn nghĩa trang, cắm những bó hoa và thắp hương trên những ngôi mộ. Cả trường và cả địa phương đều không biết đấy là mộ của ai cho đến khi gia đình đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa hài cốt ông về chôn cất trong nghĩa trang Đặng tộc trên núi Ngự Bình.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, mọi sự ở đời đều bắt đầu từ những điều không ngờ. Từ những đổi thay trong gia đình, đã khiến toàn bộ cuộc đời ông thay đổi. Ngay cả việc đến với điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh đều bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ. Ông không có một niềm say mê nào từ thuở bé đối với lĩnh vực nghệ thuật này. 

Bộ phim đầu tiên ông được xem trong đời là bộ phim của Wall Disney: "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn". Đó là vào năm ông lên bảy. Mãi đến năm lên mười ông mới được xem một bộ phim khác ở rạp Tân Tân cạnh đầu cầu Tràng Tiền ở Huế. Đó là phim "Zoro", một phim cao bồi Mỹ có nhân vật chính là một cao bồi, đội mũ rộng vành, phi ngựa, đeo mặt nạ đen chỉ để hở đôi mắt.

Ông không có sự đam mê nào với môn nghệ thuật này ngoài sự hiếu kỳ của tuổi trẻ. Nhưng rồi trải qua bao tháng năm, khi đọc lại tất cả những bức thư và những ký ức của mẹ cha, những câu chuyện thăng trầm đổi thay trong cuộc đời con người, chính là nỗi đau lớn, là những ký ức không nguôi ngoai trong đời đạo diễn Đặng Nhật Minh, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sáng tác của ông sau này trong điện ảnh...

Hoàng Thiên
.
.
.