Người mẫu Việt từ “lò” tới “sàn”:

Bài cuối: Chính danh cho nghề người mẫu, bao giờ?

Thứ Hai, 28/12/2015, 07:56
Sau hơn 1/3 thế kỷ phát triển, số lượng người mẫu và những người mẫu đã thành danh ngày càng nhiều. Từ năm 2007, Hội Người mẫu Việt Nam đã chính thức thành lập, nhằm mục đích tập hợp, góp phần định hướng kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức cho các người mẫu đang hoạt động người mẫu thường xuyên.

 Nhưng đến nay, Hội vẫn chưa thực sự hoạt động như mong muốn. Người mẫu tại Việt Nam cũng vẫn chưa chính thức được công nhận là một nghề theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Trong hội thảo “Nghề người mẫu Việt Nam: Thực trạng và đề xuất” do Hội Người mẫu Việt Nam tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phan Thị Bích Hà nhận định: Nếu nhìn sâu vào bản chất vấn đề, các mắt xích của nền công nghiệp thời trang bao gồm: nhà thiết kế - sản phẩm - người mẫu thì người mẫu không chỉ đơn thuần trình diễn thời trang, mà là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công cho chỉnh thể tác phẩm. Nhưng lâu nay, trong tâm thức của công chúng, người mẫu chỉ là những cô gái có hình thể đẹp, đơn thuần sải những bước chân dài trên sàn diễn thời trang. Đó là một quan niệm chưa chuẩn xác.

Thực ra, nghề người mẫu là một hình thức lao động yêu cầu một số tiêu chuẩn, kỹ năng, tố chất, sự khổ luyện… Ngoài sự chuẩn mực của hình thể thì một người mẫu còn cần phải có khả năng diễn xuất, sự biểu cảm trên nét mặt, kết hợp với ngôn ngữ thể hình khi tạo dáng, khả năng thẩm âm và năng lực về nhịp điệu, với những yêu cầu khí chất đặc trưng của một người mẫu, nét cá tính độc đáo riêng; cùng những kiến thức về lịch sử văn hóa trang phục và văn hóa ứng xử…

Việc cấp thẻ hành nghề được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế việc mượn danh người mẫu để làm những việc gây tai tiếng cho nghề người mẫu.

Công việc của người mẫu trên sàn diễn thời trang cũng có nét tương đồng với một diễn viên, một vũ công, họ phải biết cách làm chủ không gian sàn diễn, có bản lĩnh sân khấu. Vì vậy, trong chương trình đào tạo người mẫu yêu cầu các bộ môn như diễn xuất, biểu cảm, múa ballet, stylist, phương cách phối trang phục, tạo dáng chụp hình, tạo dáng sân khấu, bước đi trên sàn diễn; môn hóa trang; lịch sử trang phục; nghệ thuật nhiếp ảnh, thẩm âm và cảm thụ âm nhạc; văn hóa ứng xử, nâng cao khí chất…

Một người mẫu chuyên nghiệp còn cần ý chí và bản lĩnh để luôn giữ sắc dáng chuẩn mực: cần một chế độ tập luyện và ăn uống khắt khe, chịu áp lực vô cùng khắc nghiệt, đồng thời phải có sự nhạy bén và tinh tế trong việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh, thương hiệu cá nhân và đạo đức người mẫu. Đằng sau ánh hào quang của nghề người mẫu là một cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt cùng sự nghiệt ngã của quy luật đào thải.

Tất cả những yếu tố trên cần được giải quyết bởi một chương trình đào tạo bài bản, hợp lý, Nhưng hiện nay, chúng chưa có các cơ sở công lập đào tạo người mẫu chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Trong các trường Nghệ thuật công lập ở nước ta hiện nay chưa có Khoa Người mẫu đào tạo chính quy…

Về người mẫu Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ông Lã Quốc Khánh cũng cho rằng, nếu những gương mặt nổi bật, được chú ý làm cầu nối để quảng bá điểm đến với du khách sẽ rất hiệu quả. Gần đây, việc chọn người đẹp, người mẫu làm đại sứ giao lưu, giới thiệu đất nước, con người cũng đã được triển khai thực hiện, song kết quả không như mong đợi.

Lý do là vì các gương mặt này đẹp thì có đẹp nhưng có lẽ họ chưa thực sự ý thức hết về vai trò, trách nhiệm và hiểu đơn giản làm người mẫu chỉ là đứng làm mẫu nên rất thiếu kỹ năng, kiến thức khi tham gia các sự kiện đối ngoại…

Người mẫu cần được đào tạo với những chương trình đào tạo bài bản hơn. Những bộ tiêu chí rõ ràng, thống nhất nhằm xác định tiêu chuẩn của người mẫu, đặc biệt là bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp là vô cùng cần thiết hiện nay. Đây là “thước đo” để xác định cá nhân nào đó có thực sự là người mẫu hay chỉ giả danh người mẫu, nhưng cũng là mục tiêu để những người làm nghề tự quản lý chính mình nếu muốn làm nghề thực sự.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đã đến lúc cần xác định và công nhận người mẫu là một nghề chính thức của Việt Nam. Việc công nhận này không chỉ góp phần đồng hành cùng người lao động làm người mẫu, mà sẽ còn có tác dụng ngược trở lại: quản lý dễ dàng hơn kể cả về con người lẫn những đóng góp về thuế thu nhập…

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam. Cũng theo bà Thanh, để đồng hành tích cực hơn nữa với đội ngũ lao động làm người mẫu, Hội đang phối hợp với các tổ chức có liên quan xây dựng giáo trình đào tạo nghề người mẫu, xây dựng tiêu chí của lao động người mẫu để đề nghị cơ quan quản lý nhà nước công nhận lao động người mẫu là một nghề.

Trong thời gian tới, Hội cũng tổ chức các sự kiện văn hóa mà người mẫu được gắn với trách nhiệm quảng bá, tiếp thị hình ảnh đẹp của văn hóa Việt Nam, từ di sản đến trang phục, tập quán, cảnh quan thiên nhiên, chứ không chỉ gói gọn trong vai trò quảng cáo, tiếp thị sản phẩm thương mại, dịch vụ…

Riêng về quản lý hoạt động của người mẫu, Cục trưởng Cục Quản lý nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết, từ tháng 3-2016, Việt Nam sẽ triển khai cấp thẻ hành nghề cho người mẫu. Thẻ hành nghề sẽ là một trong những biện pháp hạn chế các đối tượng mượn danh nghề người mẫu làm những việc trái đạo đức, ảnh hưởng đến người làm nghề chân chính.

Ngọc Nguyễn
.
.
.