Người mẫu Việt từ “lò” tới “sàn”

Thứ Bảy, 26/12/2015, 08:25
Luôn xuất hiện với hình ảnh lộng lẫy trên sân khấu, sang trọng với hàng hiệu, xe sang, sở hữu hợp đồng quảng cáo lớn… bức tranh hào nhoáng của người mẫu khiến không ít bạn trẻ đổ xô đến với nghề này. Nhưng, con đường đến với sàn diễn của nghề người mẫu không hẳn chỉ như những gì đang phô bày trước công chúng…


Bài 1: Dò dẫm làm nghề

Kể từ năm 2002 đến nay, cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam trở thành điểm đến được hàng ngàn bạn trẻ lựa chọn. Đó là minh chứng rõ nhất cho sức hút không chỉ của cuộc thi mà còn của cả nghề người mẫu với giới trẻ đương thời.

Một cánh cửa lớn khác cho bạn trẻ muốn và đang làm nghề người mẫu tại Việt Nam còn có Elite Model Look VietNam. Gần đây nhất và thuộc dạng sôi động nhất phải kể đến VietNam Next Top Model. Đến với các cuộc thi này, phần đông là những người đang kiếm tìm cơ hội hoặc mới tập tành thử sức với nghề. Một số không hiếm các gương mặt tìm đến cuộc thi như một đích đến cần chinh phục và làm bệ phóng cho công cuộc kiếm tìm danh vọng của bản thân. 

Sau thành công của những gương mặt đoạt giải như Hồ Ngọc Hà, Bình Minh, Thanh Hằng, Xuân Lan, Anh Thư hoặc gần đây là Lan Khuê, Hoàng Thùy… với những bước tiến dài trong sự nghiệp, thậm chí từng bước chinh phục “làng mẫu” thế giới chỉ sau một thời gian rất ngắn khiến các cuộc thi càng thêm sức hút. Tất nhiên, hiện tượng những người mẫu từ làng quê bỗng “Vịt con một bước hóa thiên nga” sau cuộc thi càng làm nghề người mẫu trở nên hấp dẫn.

Người mẫu là nghề hấp dẫn nhiều bạn trẻ.

Cùng với việc tìm kiếm và trao cơ hội tỏa sáng cho các bạn trẻ, tại mỗi cuộc thi, ban tổ chức đều có các khóa huấn luyện nhất định kèm theo nhiều hoạt động bên lề nhằm giúp thí sinh trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, cọ xát hoạt động thực tế. Với người có dự định theo nghề, đây thực sự là môi trường học hỏi, trang bị kiến thức nhanh và đáng giá.

Với người làm mẫu bán chuyên nghiệp, sau câu chuyện của danh vọng, các cuộc thi cũng là sân chơi cần thiết và hữu ích để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Thế nên, việc những thí sinh cũ của chính cuộc thi sau mỗi năm tổ chức hoặc thí sinh bị đánh trượt ở vùng miền này không ngại lặn lội, khăn gói đến địa điểm tổ chức ở vùng miền khác dự thi, thí sinh vừa xuất hiện ở cuộc thi khác đã “tái xuất” trong cuộc thi mới đã trở thành chuyện rất bình thường.

Mùa thi 2015, người theo dõi cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam bắt gặp một Thanh Hằng khá quen thuộc đã từng là thí sinh của Siêu mẫu Việt Nam từ 4 năm trước đó. Sau khi không đoạt giải mùa thi 2011, cô vẫn tiếp tục theo đuổi nghề mà mình đam mê. Việc quay trở lại cuộc thi giống như là cách chinh phục một đích đến nhất định kết hợp học hỏi về nghề nghiệp. 

Lọt vào vòng bán kết năm nay, có thí sinh nam cũng khá quen mặt từng là dự thi một “sân chơi” rất đình đám - VietNam Next Top Model của 2 năm về trước. Anh cho biết, thời điểm dự thi VietNam Next Top Model thì bản thân vẫn là “lính mới tinh”. Sau 2 năm tham gia hoạt động, xác định đủ tự tin mới đăng ký tham gia Siêu mẫu Việt Nam. 

Danh hiệu thì bất cứ thí sinh nào cũng cần nhưng nếu không đạt danh hiệu, thí sinh vẫn “được” khi có cơ hội vào vòng trong, đó là sự cọ xát, dịp học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, môi trường làm việc chuyên nghiệp và biểu diễn trên sân khấu lớn. Tất nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi có được cơ hội đó, các thí sinh muốn theo đuổi nghề người mẫu vẫn phải lao động kiếm sống. 

Cùng với các “sô” biểu diễn thời trang và phần nhiều là chương trình có quy mô nhỏ, làm mẫu cho các sản phẩm may mặc thì công việc thường được lựa chọn là làm PG, đứng giới thiệu sản phẩm, đón tiếp khách hàng tại các sự kiện từ hội nghị, hội thảo đến các chương trình ra mắt sản phẩm mới hoặc may mắn hơn và có năng khiếu ăn nói là làm người dẫn chương trình. Ngay cả với các công việc này, người ngoài nhìn vào dễ tưởng nhàn hạ, sung sướng vì phần lớn là trong môi trường mát mẻ, được trang điểm đẹp, ăn mặc sang trọng. Nhưng, có trải nghiệm sẽ thấy công việc cũng rất… cực. 

Một chuyện tưởng đơn giản nhất là đi giày cao gót, nhìn vào rất đẹp và tạo dáng rất tốt. Chỉ có điều, nếu phải trải qua nhiều giờ liên tục chông chênh trên đôi giày cao cả chục centimet, phải lịch sự với nụ cười niềm nở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả bị khách “sàm sỡ”, những người trong cuộc mới hiểu nghề người mẫu không như nhiều người vẫn nghĩ. Trong thực tế, gần như tất cả người mẫu, dù chuyên nghiệp hay không chuyên, nổi tiếng hay chưa nổi tiếng cũng đều có giai đoạn trải qua các công việc này.

Ngọc Nguyễn
.
.
.