Người mẫu Việt từ “lò” tới “sàn”:

Bài 2: Gian nan chặng đường chuyên nghiệp người mẫu Việt

Chủ Nhật, 27/12/2015, 09:04
Cùng với các cuộc thi người mẫu, đáp ứng nhu cầu xã hội, hàng loạt các công ty tổ chức biểu diễn, đào tạo người mẫu ra đời. Đây cũng được coi là một trong những kênh chủ lực cung cấp nhân lực chuyên nghiệp cho nghề người mẫu. Nhưng, đến nay, các cơ sở đào tạo vẫn đều hoạt động mang tính tự phát theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, lâu nay có khá nhiều công ty đào tạo người mẫu nổi tiếng và được nhắc đến qua các gương mặt đã thành công trong các cuộc thi nhan sắc hoặc hoạt động bằng nghề người mẫu trong thực tế: Elite, PL, Venus… Khoảng 1 năm trở lại đây, có thêm Học viện Đào tạo người mẫu CA3 của siêu mẫu Xuân Lan.

Là địa chỉ đầu tiên của người có ý định và bắt đầu bước chân vào nghề người mẫu, các “lò” đào tạo này cũng là nơi để người đang hoạt động nghề người mẫu tìm đến nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thông qua các khóa học nâng cao.

Dù quy mô đào tạo có khác nhau nhưng hầu hết các công ty đều cho biết, từ chương trình đến các giáo trình đào tạo đều do đơn vị tự tìm hiểu, tham khảo ở các nước, sau đó “biến tấu” cho phù hợp với người Việt để giảng dạy. Số lượng “giảng viên” ổn định không nhiều. Ngay với PL, một trong những đơn vị đào tạo người mẫu thuộc hàng có thâm niên cao nhất tại TP Hồ Chí Minh, cả nước nói chung, số người trực tiếp giảng dạy cố định cũng chỉ ngót nghét nửa chục.

Ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty PL cho hay, trước khi thành lập công ty chính thức như hiện nay, những người làm cho PL đã có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động thực tế từ Câu lạc bộ Hoa Học Đường. Kinh nghiệm này và nhiều năm hoạt động trong nghề sau đó, cộng với việc học hỏi, cập nhật, tham khảo hoạt động đào tạo người mẫu của nhiều nước trên thế giới mới hình thành nên chương trình đào tạo của PL hiện nay.

Về Học viện Đào tạo người mẫu CA3, siêu mẫu Xuân Lan cũng cho biết, để có chương trình giảng dạy, chị và các đồng sự đã phải mất 2 năm chuẩn bị, cắt cử người sang Mỹ và một số quốc gia khác tìm hiểu, tham khảo, học tập. Về nước, tất cả phải ngồi lại cùng bàn thảo, tranh luận mới hình thành chương trình đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, đây mới là bộ khung. Nội dung giảng dạy vẫn phải liên tục cập nhật cho phù hợp với xu hướng của thế giới…

Có những sự kiện lớn, hướng đến tầm ra khu vực và quốc tế nhưng người mẫu Việt Nam vẫn bị cho là chưa chuyên nghiệp.

Mặc dù khẳng định mỗi năm, đơn vị đều đào tạo hàng ngàn lượt học viên nhưng cả Công ty PL và Học viện Đào tạo người mẫu CA3 cũng đều cho biết, hoạt động đào tạo thường là các khóa ngắn hạn, chỉ chừng một vài tháng. Yếu tố “nghề truyền nghề”, kinh nghiệm và uy tín trong nghề từ đội ngũ giảng dạy và việc trực tiếp tạo “đầu ra” cho chính các học viên tạo sự khác biệt trong mức độ thu hút.

Và, trong thực tế, song song với công tác đào tạo, hầu hết các đơn vị nói trên đều có dịch vụ cung cấp người mẫu, giúp đỡ, đưa thí sinh “của nhà” đi tham gia các đấu trường sắc đẹp trong và ngoài nước. Hoạt động theo kiểu tự phát, “mạnh ai người ấy làm” như thế nên đến nay, một hệ tiêu chuẩn chung cho đào tạo người mẫu chuyên nghiệp vẫn là cánh cửa còn bỏ ngỏ.

 Nhận định về nghề người mẫu Việt Nam, Tiến sĩ  nghệ thuật Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa - một trong những đơn vị đi đầu và có nhiều chương trình lớn liên quan đến người mẫu Việt thừa nhận: Nghề người mẫu tại Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp.

Nghề này còn mới mẻ, chỉ xuất hiện ở Việt Nam từ thập niên 80, khi kinh tế thị trường hình thành trở lại cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài rầm rộ. Sản xuất phát triển, hàng hóa dồi dào đã khiến hình thành một cách tự phát những người mẫu lứa đầu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu quảng cáo, tiếp thị mỗi ngày một tăng nhanh.

Từ đó, đội ngũ lao động người mẫu Việt Nam bắt đầu chập chững phát triển, từ nghiệp dư đến bán chuyên nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đã có các công ty hoạt động chuyên về người mẫu có đẳng cấp. Hoạt động tìm kiếm người mẫu chuyên nghiệp thông qua các sự kiện định kỳ đã góp phần tạo ra những tên tuổi rất nổi bật trong giới showbiz nhưng, nghề người mẫu ở Việt Nam vẫn chưa thoát được bóng dáng của sự tự phát

Nghề người mẫu hiện vẫn phát triển chưa đều, chưa có nền tảng vững chắc và vì thế chưa thực sự chuyên nghiệp. Chưa kể, có một thực trạng khác không vui, nói chính xác là tiêu cực đang xảy ra dai dẳng trong quá trình hình nghề người mẫu. Đó là việc có những người mẫu thiếu tu dưỡng và thiếu bản lĩnh bị lôi cuốn vào các hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm và tổ chức mại dâm…

Ngọc Nguyễn
.
.
.