Dán thông báo vi phạm: Thuận cho người dân, văn minh trong thực thi pháp luật

Chủ Nhật, 20/12/2020, 10:09
Cách đây ít ngày, Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội đã áp dụng một hình thức xử phạt nguội mới là dán thông báo vi phạm lên xe ôtô dừng đỗ sai quy định trên các tuyến đường. Nhiều người dân khá bất ngờ, song họ đều có chung nhận định đây là một giải pháp văn minh.


Vậy hình thức xử phạt này có gì khác với việc xử phạt nguội trước kia lực lượng chức năng hay áp dụng? Đây có thể coi là giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc vào dịp cuối năm? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng Công an TP Hà Nội.

PV: Thưa đồng chí Phó Trưởng phòng, người dân đang quan tâm tới hình thức dán thông báo vi phạm lên xe ôtô. Đồng chí có thể chia sẻ về hình thức xử phạt nguội này đối với lái xe ôtô dừng đỗ sai quy định mà CSGT Hà Nội đang áp dụng?

Thiếu tá Đào Việt Long: Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 7 triệu phương tiện cá nhân, trong đó có hơn 880.000 xe ôtô. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã đăng ký mới hơn 50.000 xe ôtô. Càng về cuối năm, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên các tuyến đường càng lớn. Theo đó, vi phạm dừng đỗ sai quy định cũng nhiều hơn, phổ biến hơn, khiến nhiều tuyến phố vốn có giao thông phức tạp nay thêm ùn tắc. Tiếp nữa là tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, với số lượng chung cư và nhà cao tầng tỉ lệ nghịch với điểm đỗ xe.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội.

CSGT Hà Nội cũng từng tiến hành khảo sát 3 tuyến vành đai và 5 tuyến trung tâm, nơi tập trung nhiều nhà hàng và cơ quan doanh nghiệp cho thấy, hiện tượng xe dừng đỗ ở hai bên lề đường diễn ra nhiều. Mặt khác, vào giờ cao điểm, việc xử phạt 1 trường hợp xe dừng đỗ sai quy định bằng hình thức cẩu kéo sẽ kéo dài từ 1-2 tiếng, thậm chí có trường hợp mất tới 3-4 tiếng.

Thế nên, để xử lý nhanh các trường hợp vi phạm, bên cạnh các phương pháp xử lý truyền thống, Phòng CSGT Hà Nội đã triển khai thêm việc dán thông báo vào xe ôtô. Cụ thể, với những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường nhỏ, lực lượng CSGT sẽ vẫn giữ hình thức cẩu kéo để giải toả ùn tắc, còn việc dán giấy thông báo vi phạm chỉ được thực hiện trên những tuyến đường thông thoáng hơn.

Việc ra thông báo có hai điểm chính. Thứ nhất là người điều khiển phương tiện không phải là chủ xe, nhưng sau khi nhận được thông báo, họ có thể chấp hành làm việc với cơ quan chức năng. Thứ hai, khi ra thông báo sẽ có tác dụng tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn thủ đô. Trong thông báo đó, lực lượng CSGT sẽ nêu rõ thông tin về: Biển số xe, nhãn hiệu xe, ngày giờ vi phạm, hành vi vi phạm cụ thể được quy định trong Nghị định 100 và trụ sở để họ đến giải quyết cụ thể.

PV: Việc dán vi phạm rõ ràng là thuận lợi. Thế nhưng trong trường hợp, người vi phạm không biết bị xử lý mà vẫn để xe mấy tiếng sau mới quay lại, thì viêc phạt nguội này còn  tác dụng làm giảm ùn tắc hay không?

Thiếu tá Đào Việt Long: Ngay từ ban đầu chúng tôi đã xác định rõ, với hành vi dừng đỗ sai quy định ở những tuyến đường “nóng” dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thì đội tuần tra sẽ áp dụng phương án cẩu kéo ngay. Còn ngoài giờ cao điểm, trên những tuyến đường không nằm trong nguy cơ dẫn đến ùn tắc mà người dân vi phạm về dừng đỗ thì CSGT sẽ áp dụng hình thức dán thông báo.

PV: Thưa đồng chí, sau gần 1 tuần thực hiện, Phòng CSGT đã xử lý được bao nhiêu trường hợp và phản ứng của người dân về việc hình thức phạt mới này ra sao?

Thiếu tá Đào Việt Long: Tính từ hôm ra quân (ngày 15/12) đến nay, CSGT Hà Nội đã tiến hành xử phạt nguội hơn 770 trường hợp. Địa bàn vi phạm nhiều thuộc Đội 6 quản lý với 154 trường hợp; Đội 4 là 124 trường hợp, Đội 7 là 106 trường hợp; Đội 5 là 71 trường hợp… Nhiều người dân bất ngờ song đa số đều đồng tình, ủng hộ với hình thức xử phạt nguội này. Chúng tôi chưa gặp trường hợp nào chống đối. Khi được hỏi, người vi phạm đều cho rằng, việc dán thông báo này là hình thức xử phạt văn minh.

Tôi cũng nói rõ thêm, quy trình cẩu kéo từ trước tới nay được lực lượng CSGT áp dụng đều đúng quy trình, quy định, đảm bảo về mặt thủ tục pháp lý cũng như niêm phong về tài sản. Tuy nhiên về mặt tâm lý, khi tài sản của họ bị cưỡng chế, cẩu kéo thì họ rất lo lắng. Thế nên, việc dán thông báo tại chỗ vừa phát huy được tác dụng nhắc nhở người dân về hành vi sai phạm, mặt khác họ có thể yên tâm hơn về việc tài sản của họ vẫn được bảo toàn.

Thực tế trước khi thực hiện việc dán thông báo này, Phòng CSGT đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, xin ý kiến của Công an thành phố, Cục Cảnh sát giao thông về quy trình xử phạt. Trước khi lập biên bản về việc vi phạm thì CSGT sẽ tiến hành thông báo qua loa, nếu chủ phương tiện gần đó có thể ra giải quyết ngay.

Sau khi phát loa xong, người điều khiển phương tiện chưa có mặt, tổ công tác sẽ tiến hành ghi thông báo với các thông tin cụ thể về đặc điểm của phương tiện, lỗi vi phạm và trụ sở nơi giải quyết vi phạm. Bước tiếp theo với trường hợp xử lý xe dừng đỗ sai quy định dán thông báo là sau 3 ngày, nếu người vi phạm không đến làm việc tại trụ sở CSGT, thì đơn vị xử lý sẽ xác minh địa chỉ của chủ xe đăng ký để gửi thông báo tiếp theo. Trong thời gian 15 ngày, nếu chủ xe tiếp tục không đến giải quyết vi phạm, chúng tôi sẽ gửi tiếp thông báo đến cơ quan đăng kiểm và Công an phường, thị trấn nơi người chủ phương tiện đăng ký xe. 

PV: Hình thức dán thông báo này so với hình thức xử phạt truyền thống có gì khác biệt?

Thiếu tá Đào Việt Long: Trước đây việc dán thông báo vi phạm đã được TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh thực hiện. Tuy nhiên, thông báo của Công an TP Hà Nội có điểm tân tiến hơn là chúng tôi nghiên cứu thông báo mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là Anh và Mỹ. Thứ hai, chúng tôi cũng đã vận dụng được những điểm mới trong văn bản pháp luật, cụ thể là Thông tư 65, 66 của Bộ Công an mới ban hành từ tháng 7 năm 2020. Ngoài ra, chúng tôi có nghiên cứu thêm Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 100 xử lý vi phạm trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

Hiện tại cả hai hình thức phạt nguội mà CSGT Hà Nội đang áp dụng đều tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Thứ nhất, Công an TP Hà Nội đã thực hiện việc xử lý vi phạm giao thông qua dịch vụ công, tức là trong một số trường hợp người dân không cần đến tận trụ sở công an để giải quyết vi phạm. Căn cứ vào những hành vi xử phạt hành chính, nếu không bị tạm giữ giấy tờ, không bị thực hiện việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì có thể thông qua dịch vụ công nộp tiền phạt trực tiếp tới kho bạc qua hệ thống ngân hàng.

Với những trường hợp người vi phạm bị giữ giấy phép, sau khi nộp phạt, hết thời gian tạm giữ bằng, người dân có thể sử dụng dịch vụ phát chuyển nhanh của bưu điện để nhận bằng tại nhà mà không cần đến tận trụ sở Công an. Đây cũng là điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. So sánh hai hình thức phạt nguội bằng việc dán thông báo và phạt nguội thông qua hình ảnh thì có thể nói là tương đồng nhau. Tuy nhiên, so với cách xử lý truyền thống thì việc dán thông báo tiết kiệm thời gian cho lực lượng chức năng và người vi phạm rất nhiều.

CSGT Hà Nội dán thông báo lên xe vi phạm.

PV: Không thể phủ nhận sự nỗ lực của lực lượng CSGT trong việc cố gắng đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình hình giao thông. Thế nhưng, vấn đề ùn tắc vẫn đang rất nan giải, nhất là những ngày cuối năm. Đồng chí nhìn nhận thế nào về tình trạng này? Thời gian tới, CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp nào nữa để việc lưu thông của người dân được an toàn hơn?

Thiếu tá Đào Việt Long: Giao thông Hà Nội hiện diễn biến khá phức tạp. Trên địa bàn thành phố, chúng tôi đang quản lý khoảng 370 nút giao có nguy cơ ùn tắc. Tại các nút này, chúng tôi luôn bố trí cán bộ trực tiếp điều tiết giao thông. Trên những tuyến đi qua điểm ùn tắc thì luôn luôn có tổ tuần tra kiểm soát để kiểm soát tình hình, nhất là giờ cao điểm.

Hiện tại, Phòng CSGT Hà Nội cũng đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội có sự chỉ đạo với Công an các quận, huyện, huy động thêm lực lượng là Công an phường, các đội trật tự của Công an huyện ra làm công tác chỉ huy ở những tuyến đường hay xảy ra nguy cơ ùn tắc, những dịp lễ tết hay kỳ cuộc hội họp lớn được tổ chức tại Thủ đô. Từ nay đến cuối năm, Phòng CSGT Hà Nội sẽ lập các tổ công tác, bố trí lực lượng đảm bảo khép kín thời gian từ 6h-22h hằng ngày; các tuyến quốc lộ, tuyến giao thông trọng điểm bố trí lực lượng túc trực 24/24h…

PV: Theo đồng chí, sẽ mất bao nhiêu lâu nữa giao thông ở Hà Nội mới có thể thông thoáng hơn?

Thiếu tá Đào Việt Long: Theo tôi cần phải có lộ trình để đánh giá được toàn diện việc này. Song, với các dự án sắp đưa vào khai thác như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, và 2 năm nữa là tuyến Nhổn-Ga Hà Nội thì tình trạng ùn tắc sẽ được cải thiện. Bởi lúc này, số người tham gia giao thông sử dụng nhiều phương tiện công cộng, áp lực phương tiện cá nhân tham gia trực tiếp trên đường sẽ giảm.

Trung bình 1 chuyến tàu của đường sắt đô thị có thể chở tối thiểu 200 người và tối đa 800 người. Nếu chúng ta tính số người này không sử dụng phương tiện cá nhân là xe đạp, xe môtô, xe ôtô thì sẽ giảm tải được rất nhiều áp lực về giao thông cho Thủ đô. Tôi cũng hy vọng trong 1-2 năm tới, người điều khiển phương tiện cá nhân tham gia trên các tuyến đường Hà Nội giảm tải, khi đó giao thông Hà Nội sẽ trở nên thông suốt hơn.

PV: Vâng, nhiều người dân cũng hy vọng giao thông Hà Nội sẽ sớm bớt cảnh ùn tắc. Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian chia sẻ!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.