Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính sẽ được giam giữ riêng

Thứ Sáu, 27/12/2019, 07:33
Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020 với 16 Chương, 207 Điều, trong đó Luật đã dành Chương III với 55 Điều, từ Điều 22 đến Điều 76 quy định về Thi hành án phạt tù (THAPT).


Theo Phòng Cảnh sát THAHS và HTTP Công an TP Hồ Chí Minh, Luật THAHS năm 2019 sửa đổi đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hình sự, các quy định của pháp luật khác có liên quan và sửa đổi khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật THAHS năm 2010. Do đó, Luật THAHS năm 2019 nói chung và Chương III - THAPT nói riêng có những điểm mới so với Chương III - THAPT của Luật THAPT năm 2010.  

Trong đó, có những điểm nổi bật như đã bổ sung quyền và nghĩa vụ của phạm nhân (PN). Điều 27 Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung các nhóm quyền cho PN như: Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ PN; được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật và nghĩa vụ như: Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của Cơ quan quản lý THAHS, Cơ quan THAHS trong quá trình THAHS và các quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…

Đối với quy định về những đối tượng được giam giữ riêng, Luật THAHS năm 2019 có điểm mới, theo khoản 2, khoản 3 Điều 30 đã quy định cụ thể và bổ sung thêm hai đối tượng được bố trí giam giữ riêng gồm: PN có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam và PN là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.

Trước đó, theo khoản 2 Điều 27 Luật THAHS năm 2010 chỉ quy định có 6 đối tượng được giam giữ riêng gồm PN nữ; PN là người chưa thành niên; PN là người nước ngoài; PN là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; PN có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; PN thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam.

Luật THAHS năm 2019 cũng có điểm mới rất đáng chú ý về việc sử dụng kết quả lao động của PN. Luật THAHS năm 2019 bổ sung khoản 4 Điều 34 quy định về kết quả lao động của PN sau khi trừ các chi phí hợp lý theo quy định thì được sử dụng chi trả một phần công lao động cho PN trực tiếp tham gia lao động sản xuất; chi hỗ trợ cho PN bị tai nạn lao động.

Như vậy, so với Luật hiện hành, đây là một quy định mới, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm quyền lợi cho PN. Điều này vừa khuyến khích PN lao động, cải tạo, vừa giúp họ có điều kiện tốt hơn để tái hòa nhập cộng đồng sau khi đã chấp hành xong án phạt tù.

Bên cạnh đó, PN còn được nhận tiền mặt, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính (trước đó, theo quy định tại Điều 46 Luật THAHS năm 2010, PN chỉ được nhận tiền mặt, đồ vật khi được gặp trực tiếp thân nhân) và tăng thời lượng liên lạc điện thoại với thân nhân gia đình mỗi lần không quá 10 phút và có thể hơn 10 phút trong trường hợp cấp bách.

Ngoài ra, Luật THAHS năm 2019 còn một số nội dung mới liên quan đến quy định xếp loại chấp hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, việc người bị bệnh nặng phải trưng cầu giám định y khoa và quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện…

Phú Lữ
.
.
.