Khuyến cáo kỹ năng phòng tránh “tín dụng đen” từ lực lượng Công an

Thứ Tư, 21/10/2020, 08:23
Đây là thông tin được đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đưa ra tại Hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” vừa diễn ra ở tỉnh Hòa Bình.

Lãi suất gấp 70 lần quy định

Không chỉ ở thành thị, nông thôn, mà ngay cả những nơi khó khăn tại miền núi có nhiều bà con dân tộc sinh sống, tín dụng đen cũng đã len lỏi đến và gây nhiều hệ lụy về cả tài sản, tính mạng người dân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đáng chú ý, bên cạnh hình thức giao dịch truyền thống là cho vay mặt đối mặt, tín dụng đen đang lợi dụng công nghệ, vươn “vòi bạch tuộc” của mình vắt kiệt những gia đình, cá nhân khó khăn về kinh tế, yếu kém về nhận thức.

Trung tá Ngô Hồng Vương (Cục Cảnh sát hình sự) cho biết, vay trực tuyến, vay ngang hàng (còn gọi là P2P Lending - Peer to Peer Lenging, thuộc lĩnh vực công nghệ và vấn tài chính - Fintech) là hình thức vay thông qua các ứng dụng di động giống như ứng dụng đặt xe Grap, Uber. Hình thức này hiện đang phát triển rất nhanh và rất khó kiểm soát ở Việt Nam, trong đó người vay không cần đến ngân hàng để làm việc mà thông qua các ứng dụng di động để tìm kiếm, kết nối giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay.

Thủ tục cho vay đơn giản, số lượng tiền vay ít, lãi suất do hai bên tự thỏa thuận, điều kiện ràng buộc lỏng lẻo, trong khi chưa có quy định về hình thức cho vay này. Do đó, nhiều đối tượng sử dụng hình thức này để hoạt động tín dụng đen. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cho vay được coi chỉ là sự thay đổi về hình thức việc tiếp cận, trao đổi và giao dịch, còn bản chất cũng không khác gì việc cho vay mặt đối mặt thông thường - khác về việc ứng dụng công nghệ để thực hiện. Lãi suất của các hoạt động này vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự là dưới 20%.

“Tuy nhiên, một số đối tượng thu lãi suất rất cao, trên 100%/năm, hoặc lách quy định bằng cách thu thêm các khoản phí (thực chất là mức lãi suất thu thêm). Nếu cộng cả phí và lãi quy ra lãi suất có thể lên đến 1.400%/năm - gấp 70 lần so với quy định, hoặc cao hơn. Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này yêu cầu người nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND để khi người nợ chậm trả lãi thì chúng sẽ quay sang đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực. Hoặc có thể tiếp tục sử dụng các thủ đoạn đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” như ném chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa, phun sơn... Nếu ứng dụng nào có những thủ đoạn như trên thì chính là các đối tượng hoạt động tín dụng đen” - Trung tá Ngô Hồng Vương cho biết và khuyến cáo, người dân khi vay cần tìm hiểu kỹ các quy định về cho vay của các ứng dụng, lựa chọn ứng dụng cho vay uy tín, chấp hành đúng quy định về lãi suất (dưới 20%/năm), không có các hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, lăng mạ, xúc phạm, quấy rối người đi vay để tránh gặp phiền hà trong cuộc sống, cũng như tránh bị các đối tượng đưa vào vòng xoáy lãi mẹ đẻ lãi con.

Nhiều app cho vay online mời chào người dân.

5 kỹ năng phòng ngừa “bẫy” tín dụng đen

Để dễ nhận biết thủ đoạn lừa người có nhu cầu vay vốn “sập bẫy” tín dụng đen, Cục Cảnh sát hình sự chỉ ra 7 chiêu trò mà các đối tượng thường lợi dụng.

Thứ nhất, khi cho vay để mua sắm phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp có thể yêu cầu cầm cố nhà cửa, đất đai, hoặc chính các công cụ sản xuất, nông sản để trả nợ. Nhận tiền người nợ chỉ nhận được một phần tiền còn lại sau khi đã trừ tiền lãi và tiền phí, nhưng khi trả nợ thì phải trả toàn bộ số tiền đã vay. Đối với các cháu học sinh, công nhân, người lao động có thể cầm cố giấy tờ tùy thân, thẻ ATM trả lương... Tuy nhiên, khi không đủ khả năng trả nợ thì các đối tượng siết nợ khiến người thân, gia đình phải trả nợ thay, nếu không sẽ bị đe dọa, chửi bới, ném chất bẩn, chất thải như ở trên.

Thứ 2, khi cho vay thì lập các hợp đồng như: hợp đồng bán xe máy sau đó bắt người vay phải thuê lại xe máy đó để sử dụng, nếu không trả đủ tiền lãi, các đối tượng sẽ chiếm đoạt xe máy đó. Biến tướng việc cho vay bằng việc yêu cầu người nợ viết giấy biên nhận tiền để lo xin việc, chạy chức chạy quyền, nếu người nợ không trả đủ tiền thì sẽ bị các đối tượng tố cáo với Công an là lừa đảo. Hoặc là trong hợp đồng thì cho vay với lãi suất rất thấp nhưng thu thêm các khoản phí (phí hợp đồng, phí xác minh, phí liên lạc...) với mức rất cao, thực ra là tiền lãi suất biến tướng...

Thứ 3, cho vay dưới hình thức cho người nợ tham gia vào chơi họ, hụi (trong Nam gọi là biểu, phường), trong đó người nợ sẽ phải trả lãi cho người vay và chỉ nhận được số tiền vay đã bị trừ tiền lãi ngay từ đầu. Thứ 4, sử dụng ứng dụng điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook, website để mời chào cho vay với lãi suất thấp nhưng thực tế cũng bắt người nợ phải trả tiền phí rất cao như những trường hợp bên trên.

Thứ 5, các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thủ đoạn đi vay với lãi suất rất cao so với lãi suất ngân hàng, hoặc kêu gọi đầu tư vốn cho các dự án bất động sản, kinh doanh đa cấp tài chính, kinh doanh tiền ảo, tham gia hui, họ... với mức sinh lời, lãi suất rất cao. Từ đó kéo theo nhiều người vì hám lợi đi vay người thân, bạn bè rồi đi cho vay lại. Các đối tượng có thể trả lãi 1-3 tháng để lấy lòng tin, nhưng sau đó có thể ôm tiền bỏ trốn, dẫn đến nhiều trường hợp bể hụi, họ, vỡ nợ quy mô lớn trong thời gian vừa qua.

 Thứ 6, khi người nợ không đủ tiền trả, các đối tượng lại tiếp tục gợi ý cho người nợ lại đi vay của các đối tượng khác, các ứng dụng cho vay khác nhằm đáo nợ. Tuy nhiên, sau đấy các khoản vay, tiền lãi cộng dồn lại lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Thực chất, các đối tượng, ứng dụng cho vay này đều là một, do các đối tượng lập ra để giăng bẫy người nợ...

Thứ 7, khi người nợ không trả lãi theo đúng hạn định, các đối tượng sẽ gửi hình ảnh ghép các thông tin bôi nhọ đến nhiều người thân, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của người nợ, hoặc thậm chí nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa, giả làm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để dọa truy tố trước pháp luật... Để tránh bị rơi vào “bẫy” tín dụng đen tiền mất tật mang, Cục Cảnh sát hình sự cũng khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống.

Trong trường hợp tiếp cận với các kênh cho vay khác, phải tìm hiểu rõ các quy định về trả lãi, phạt trả lãi chậm, trả nợ gốc chậm. Trong đó đặc biệt lưu ý nếu cộng cả tiền lãi và tiền phí khác chia trên số tiền gốc mà quá cao (20%) thì cần cẩn thận. Ngoài ra, khi vay không nên ký các hợp đồng không đúng bản chất như bán tài sản - thuê lại chính tài sản đó, giấy biên nhận tiền để xin việc, xin học..., hoặc hợp đồng phản ánh lãi suất không đúng với lãi suất thực tế phải trả... Người dùng cũng cần cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay trên mạng, cần đọc kỹ các thông tin để tránh bị các đối tượng lừa. Không cho các ứng dụng, website này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân...

Khi phát hiện các đối tượng cho vay lãi nặng, cần sớm nhất hoàn tất trả các khoản nợ. Nếu bị các đối tượng cho vay lãi quá 100% và thu lời bất chính trên 30 triệu thì đã có dấu hiệu tội phạm và báo ngay cho cơ quan Công an. Còn khi bị các đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây tương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thì ngay lập tức báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết (có thể làm đơn tố cáo hoặc điện thoại để tố cáo).

Bên cạnh đó, khi tham gia vào các app, phải cảnh giác trước những trường hợp có người đi vay, huy động vốn với lãi suất rất cao, sinh lời nhanh, vì có thể đây là những đối tượng lừa đảo; đồng thời cảnh giác trường hợp các đối tượng giả làm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để đe dọa việc trả nợ, vì không có cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nào nhắn tin thông báo yêu cầu trả nợ.

Hà An – Minh Hiền
.
.
.