Hành vi đổ sơn, bôi bẩn lên xe ô tô đậu sai qui định đều phạm pháp
Mới đây nhất, tại cổng sau Trường THPT quận Cầu Giấy, thuộc địa bàn phường Quan Hoa, TP Hà Nội, một chiếc xe Camry biển 80A màu trắng đã bị ai đó đổ đầy sơn trắng từ nóc xe tràn xuống kính và cốp sau. Trước đó, tại TP Hà Nội cũng xuất hiện một số vụ tương tự, một chiếc xe ô tô Ford Ecosport đỗ chắn 2/3 cổng sắt của một gia đình trong khu dân cư, thuộc phố Nguyễn Trãi, quận Đống Đa, TP Hà Nội bị một người dân ở đây dùng bình xịt sơn màu xanh phun lên dòng chữ “Đỗ gì ngu thế”.
Hoặc một chiếc xe ô tô hiệu Ford Ranger đỗ trong ngõ đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, TP Hà Nội cũng bị người khác dùng sơn xịt màu hồng viết một chữ “Ngu” to tướng trên vỏ xe. Chủ xe này cho biết, hôm đó, đường vào cơ quan anh đang thi công, nên anh đành phải đánh xe vào ngõ đối diện để đỗ. Khoảng một giờ sau, khi vào mạng xã hội, anh tả hỏa nhìn thấy chính chiếc xe ô tô của mình đã bị phun bẩn lên dòng chữ xúc phạm nêu trên.
Một chiếc xe ô tô bị đổ sơn trắng trên đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. |
Theo chúng tôi, nguyên nhân chính của hiện tượng đổ sơn, viết bẩn lên những chiếc xe ô tô là do tâm lý người dân cho rằng, vỉa hè trước cửa nhà mình, ngõ đi vào nhà mình là thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình; vì vậy, ngay cả trong trường hợp, những tuyến phố được phép dừng đỗ xe ô tô, nhưng một số chủ những gia đình mặt đường cũng tỏ ra khó chịu khi những chiếc xe ô tô đỗ chắn ngay mặt tiền nhà mình, nhất là mặt tiền nhà họ đang hoạt động kinh doanh. Chỉ ở một số tuyến phố, có kẻ vạch vôi dừng đỗ xe để khai thác kinh doanh trông giữ xe, thì những chủ xe ô tô mới yên tâm khi dừng đỗ.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, do thiếu bãi trông giữ xe, hoặc do chủ xe ngại đưa xe vào bãi nên nhiều chủ xe tùy tiện đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường; hoặc đỗ xe ô tô chình ình trong ngõ hẹp để “trốn” lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát phát hiện. Song, những trường hợp đỗ xe như vậy, người dân có quyền “tự xử” hay không?
Việc dừng đỗ xe ô tô sai qui định là vi phạm luật lệ giao thông, trong trường hợp như vậy, người dân nên trình báo với công an sở tại đến lập biên bản vi phạm và xử phạt theo qui định của pháp luật. Mức xử phạt trong các trường hợp như vậy cũng khá cao, tối đa có thể phạt tới 1,2 triệu đồng, đủ sức răn đe chủ xe để họ không tái phạm.
Người dân không nên tự ý bôi bẩn, viết bẩn lên xe ô tô, vì thực ra, người vi phạm đang dừng đỗ xe sai qui định tại đất công cộng, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nhà nước. Nếu tự ý bôi bẩn, vẽ bẩn lên tài sản của họ nhẹ thì bồi thường, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chủ tài sản có đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản.
Trở lại vụ chiếc xe Lexus đỗ trên phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chắn ngang cửa của một gia đình; chủ nhà vì bực tức đã dùng bút xóa vẽ loằng ngoằng kín vỏ chiếc xe ô tô. Nhưng hành động thiếu suy nghĩ này đã phải trả giá. Sau khi xác định thiệt hại, chủ xe đã yêu cầu người vẽ bẩn lên ô tô phải bồi thường 13 triệu đồng, nếu không sẽ có đơn tới cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự. Người vẽ bẩn đành phải trả số tiền trên cho “bức tranh” vẽ bậy lên tài sản người khác.
Theo Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” qui định: “1- Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng…” thì đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài tài sản” cũng qui định: “1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng…” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |