Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương trong vụ án TISCO
- Cựu Tổng Giám đốc TISCO bị đề nghị từ 10 đến 11 năm tù
- Truy trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ Công thương trong đại án TISCO
Mở đầu phần tranh luận, luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) cho rằng, trong vụ án này, cơ quan tố tụng cần xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương khi giới thiệu Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) tới các bị cáo là lãnh đạo TISCO và lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) để họ chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ.
Các bị cáo tại phiên xử. |
Theo luật sư bào chữa, một trong những lý do khiến lãnh đạo TISCO và lãnh đạo VNS chấp nhận VINAINCON vì có văn bản của Bộ Công thương do một đồng chí lãnh đạo bộ ký. Văn bản của Bộ Công thương thể hiện, VINAINCON là doanh nghiệp của bộ, có năng lực tốt. Theo luật sư Tuấn, trong sự việc này, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công thương. Còn TISCO và VNS chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Quá trình luận tội, đại diện Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Trần Trọng Mừng có trách nhiệm chính trong vụ án khi không chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) dù doanh nghiệp này có vi phạm. Cụ thể, năm 2007, TISCO và MCC ký Hợp đồng EPC trọn gói, giá 160 triệu USD để xây dựng dây chuyền luyện kim. MCC sau đó vi phạm hợp đồng, không xây dựng và đòi tăng giá.
Viện Kiểm sát cho rằng, thời điểm đó, bị cáo Mừng phải chấm dứt hợp đồng với MCC, thu hồi tiền tạm ứng, báo cáo người có thẩm quyền để hủy đấu thầu và cho đấu thầu lại mới phù hợp quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo Mừng lại chỉ đạo để đàm phán theo yêu cầu của MCC, đồng thời ký văn bản đề nghị tăng giá phần C (xây lắp) trong Hợp đồng EPC.
Ngoài ra, bị cáo Mừng còn giới thiệu và chấp thuận cho VINAINCON làm nhà thầu phụ. Do VINAINCON không đủ năng lực nên năm 2011 dự án đã phải dừng thi công, đến nay dự án chưa hoàn thành.
Các luật sư bào chữa tại phiên toà. |
Tranh luận về việc TISCO không dừng hợp đồng với MCC, luật sư Tuấn viện dẫn nhiều văn bản pháp luật thể hiện, bị cáo Mừng từng ký nhiều văn bản hối thúc MCC thực hiện dự án. Bị cáo Mừng cũng ký văn bản gửi Bộ Công thương và VNS với nội dung “Đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ xin phép chấm dứt Hợp đồng EPC với nhà thầu MCC. Yêu cầu MCC trả lại tiền đặt cọc và bồi hoàn thiệt hại”. Nhưng việc này không được cấp có thẩm quyền chấp nhận.
Theo Hợp đồng EPC, nếu có tranh chấp, TISCO và MCC sẽ giải quyết tại tòa trọng tài tại Singapore. Vì vậy, TISCO ký hợp đồng với hãng luật Kenvil Chia của quốc đảo này tư vấn và nhận được trả lời với nội dung “Không thể xem nhẹ việc chấm dứt hợp đồng và chỉ nên xem xét việc chấm dứt nếu không còn các sự lựa chọn nào khác”.
Từ đó, bị cáo Mừng đã chọn việc tiếp tục hợp đồng, thực hiện thay điều chỉnh giá phần xây lắp và thay đổi giá Hợp đồng EPC theo quy định tại Thông tư 09/2008 của Bộ Xây dựng.
Cũng theo luật sư Tuấn, việc hợp đồng phần C bị thay đổi hình thức từ trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá không phải do bị cáo Mừng đưa ra. Thậm chí, bị cáo Mừng từng phản đổi việc này vì thay đổi theo đơn giá là giá quý sau cao hơn quý trước khiến dự án nâng giá, nhà thầu không tích cực làm việc.
Luật sư Tuấn cho rằng, thân chủ của ông là bị cáo Mừng chỉ có một phần trách nhiệm trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ nên đề nghị HĐXX chuyển tội danh đối với bị cáo Mừng từ tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Trần Văn Tạo, bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TISCO) là người kế nhiệm bị cáo Trần Trọng Mừng cho rằng, quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát đối với thân chủ của ông là quá nặng. Luật sư Tạo nhìn nhận, toàn bộ hành vi của bị cáo Khâm chỉ với mục đích là mong dự án sớm hoàn thành.
Theo quan điểm của luật sư Tạo, bị cáo Khâm tiếp nhận dự án khi dự án đã được triển khai 24 tháng với hiện trạng tổng thầu MCC chưa thi công. Dự án cũng đã được bị cáo Mừng xin phép và đã được Bộ Công thương, Chính phủ cho phép tách phần C giao cho VINAINCON thi công đồng thời tăng mức đầu tư cho phần C. Do đó, Viện kiểm sát nhận định, bị cáo Khâm thực hiện các hành vi để kéo dài thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng, tách phần C ra khỏi hợp đồng, chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực thực hiện hợp đồng là không chính xác.
Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà. |
Quá trình luận tội, đại diện Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Khâm có vai trò là người tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Với quyền hạn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TISCO, là người kế nhiệm bị cáo Mừng chỉ đạo thực hiện dự án, bị cáo Khâm biết rõ Hợp đồng EPC là hợp đồng trọn gói, không có căn cứ điều chỉnh giá, nhưng vẫn chỉ đạo tham mưu, đề xuất và ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, trong đó có dự phòng cho phần C của Hợp đồng tăng thêm 15,57 triệu USD.
Bị cáo Khâm cũng ký phụ lục điều chỉnh lần thứ tư với MCC thống nhất tách phần C ra khỏi hợp đồng, đồng thời ký kợp đồng thầu phụ ba bên, chấp thuận giao cho VINAINCON không đủ năng lực và các nhà thầu phụ khác thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, TISCO tổ chức thực hiện và chịu mọi rủi ro không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định của hợp đồng.