Đa dạng mô hình, sản phẩm du lịch đêm:

Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong phát triển du lịch Việt

Thứ Năm, 17/08/2023, 06:42

Sản phẩm du lịch đêm - một trong những vấn đề bị than phiền của du lịch Việt Nam nhiều năm qua đang dần có những chuyển biến tích cực với sự nhập cuộc của nhiều địa phương có lượng khách du lịch cao. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Đề án một số mô hình sản phẩm du lịch đêm mới đây cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo trong phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, tăng cường thu hút, chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Ngày càng nhiều mô hình, sản phẩm mới

Theo Đề án, đến năm 2025, các địa bàn gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Đến năm 2030, tại các trung tâm du lịch lớn nói trên sẽ mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông được phát triển đồng bộ và hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam. Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm bao gồm: Hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Đa dạng mô hình, sản phẩm du lịch đêm:  Tháo gỡ
Tour du lịch khám phá Hoàng thành Thăng Long về đêm hấp dẫn du khách.

Thực tế, trước đó, ở một số địa phương, du lịch đêm đã bắt đầu được đầu tư và có một số sản phẩm thu hút du khách. Nổi bật ở Hà Nội gần đây phải kể đến các tour du lịch khám phá Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò về đêm, các điểm vui chơi, biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm vào tối cuối tuần. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm với 4 nhiệm vụ triển khai ngay trong năm 2023.

Cụ thể, tháng 9/2023, Sở sẽ tổ chức tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội và ra mắt không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng "Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm” tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sở tổ chức cuộc thi review online "Đêm Hà Nội chào đón bạn" trong tháng 10/2023, xây dựng và quảng bá video "Motion Graphic quảng bá các sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội" đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Về kế hoạch dài hạn, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển một số mô hình du lịch đêm tại một số địa phương có thế mạnh tiềm năng. Trong đó, du lịch Hà Nội tập trung theo 2 hướng: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng mô hình du lịch đêm tại các quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Tây Hồ) và quy hoạch, xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt, chuyên nghiệp ở khu vực ngoại thành.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh đã xác định phát triển du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du khách quan tâm nhất. Hiện tại, thành phố có gần 32.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng và hàng vạn quán ăn đường phố. Đây là thế mạnh để thành phố phát triển du lịch đêm. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các phố ẩm thực đặc trưng, các hoạt động văn hóa trải nghiệm city tour về đêm, các hoạt động giải trí, mua sắm, trải nghiệm.

Ngoài xây dựng mô hình chung của TP Hồ Chí Minh, ở thành phố còn có những sản phẩm du lịch đặc trưng ở mỗi quận huyện, phù hợp với lợi thế từng địa bàn. Du lịch trên sông Sài Gòn là lợi thế để TP Hồ Chí Minh phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Các dịch vụ du thuyền, lưu trú trên sông sẽ thu hút khách và tăng chi tiêu của khách trong hoạt động du lịch đường thủy. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy từ nay đến năm 2025, trong đó quy hoạch phát triển các cầu tàu, bến bãi đồng bộ, tạo động lực cho phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, đặc biệt là du lịch đường thủy về đêm.

Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cũng cho hay, hiện nay, Khánh Hòa đã triển khai thí điểm một số khu vực dịch vụ kinh tế du lịch đêm như dịch vụ văn hóa vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm về đêm trên địa bàn TP Nha Trang và một số khu du lịch trên địa bàn tỉnh từ 5 sao trở lên đã có sẵn đầu tư như Vinperland, Bến du thuyền Marina, một số resort ở Bắc bán đảo Cam Ranh.

Còn nhiều khó khăn trong phát triển du lịch đêm

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo ngành Du lịch ở nhiều địa phương cũng cho rằng, bên cạnh các lợi thế thì phát triển du lịch đêm có nhiều vấn đề cần quan tâm. Với dịch vụ du lịch ban đêm, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và người dân để không dẫn đến hoạt động tự phát - rào cản trong phát triển du lịch kinh tế đêm. Mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh phải là một hướng dẫn viên, đại sứ du lịch, vừa kinh doanh phát triển kinh tế, vừa mang bản sắc phục vụ du khách.

Các quy định về phát triển kinh tế đêm như thời gian hoạt động, giấy phép hoạt động, các tiêu chuẩn cho từng loại hình kinh doanh, trong đó có thẩm quyền và trách nhiệm của từng đơn vị để phân cấp công việc một cách rõ ràng. Đặc biệt, cần quan tâm các vấn đề về môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Vì hoạt động giải trí về đêm dễ gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh, đặc biệt là thời điểm về khuya. Hoạt động kinh doanh phải lành mạnh, tạo sức hút nhưng không chèo kéo, "chặt chém" khách.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Tán Văn Vương còn cho rằng, cần nghiên cứu quy định về thời gian hoạt động và dịch vụ ban đêm, có chính sách cho người lao động phục vụ hoạt động du lịch đêm và có chính sách thu hút các nhà đầu tư, có chính sách về giá điện cho doanh nghiệp hoạt động kinh tế du lịch đêm phù hợp hơn.

Trao đổi quanh các vấn đề trên, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, các mô hình, nhóm giải pháp Bộ VHTTDL đề ra trong Đề án một số mô hình sản phẩm du lịch đêm mang tính định hướng chung. Các Sở Du lịch cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương, kể cả trong quy hoạch, xây dựng mô hình, chính sách cụ thể khác. Riêng về giá điện cho doanh nghiệp hoạt động du lịch đêm, Bộ VHTTDL đang phối hợp với Điện lực Việt Nam để có chính sách cho phù hợp.

Hoa Nguyễn
.
.
.