Tăng tiêu thụ nội địa để giảm áp lực xuất khẩu

Chủ Nhật, 04/09/2022, 08:52

Hầu hết các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đều tập trung trong nhóm ngành nông sản, thực phẩm. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo về chất lượng, do vậy mang tính cạnh tranh cao.

Để xuất khẩu (XK) hiệu quả, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công thương cho rằng, các doanh nghiệp (DN) cần khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam và ưu tiên các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nhằm khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại từ các FTA mang lại…

Tăng tiêu thụ nội địa để giảm áp lực xuất khẩu -0
Trái dứa, mặt hàng xuất khẩu rất có triển vọng ở thị trường EU.

Mới đây, cuối tháng 8/2022, Cục XTTM phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại châu Âu (EU) tổ chức tư vấn cho DN XK sản phẩm dứa là nhóm sản phẩm Việt Nam có nhiều triển vọng sang thị trường EU. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ XK, Cục XTTM nhận định, EU là một trong những thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các DN sản xuất, XK cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng XK bền vững sang khu vực thị trường “khó tính” này.

Với mỗi thị trường tại khu vực EU, các nhà NK đều có những tiêu chuẩn, quy định riêng đối với hàng nông sản từ nước ngoài NK vào. Như thị trường Hà Lan, được xem là “cửa ngõ” XNK quan trọng đối với nhiều mặt hàng trái cây ra - vào EU. Năm 2021, Hà Lan NK trên 250 nghìn tấn dứa các loại và là thị trường có kim ngạch NK dứa nhiều nhất EU, nhưng NK từ các thị trường châu Á chiếm số lượng còn khá khiêm tốn.

Để các sản phẩm dứa Việt Nam thâm nhập và phát triển tại thị trường Hà Lan, các DN Việt Nam cần nắm rõ và thực hành tốt các quy định chung của EU về tiêu chuẩn chất lượng, chính sách kiểm dịch, quy định về an toàn thực phẩm và tính bền vững liên quan đến sản phẩm (như hạn chế sử dụng bao bì hoặc sử dụng bao bì thay thế thân thiện với môi trường…) cùng với những yêu cầu, quy định riêng của từng hệ thống phân phối như các vấn đề về trách nhiệm xã hội.

Đối với Thụy Sỹ, nhu cầu NK khoảng 20 nghìn tấn/năm các sản phẩm dứa tươi, dứa đã chế biến và bảo quản (dứa hộp), nước dứa ép… thị trường này đang gia tăng xu hướng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và có chứng nhận Fairtrade. Ông Nguyễn Đức Thương - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ nhìn nhận, Thụy Sỹ NK sản phẩm dứa từ Việt Nam số lượng và kim ngạch còn rất thấp so với nhiều thị trường châu Á khác như Thái Lan, Indonesia… Các sản phẩm dứa của Việt Nam chủ yếu được bán tại các cửa hàng của người châu Á, người Việt, chưa được phân phối qua các kênh siêu thị lớn và mức tăng trưởng NK hàng năm vào Thụy Sỹ không ổn định.

Với thị trường Vương quốc Anh, bà Hoàng Lê Hằng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, các hình thức tiêu thụ dứa ở thị trường này rất phong phú, bao gồm dứa tươi, nước dứa ép, các sản phẩm dứa sấy khô, mứt dứa, snack dứa, dứa nguyên liệu làm bánh kẹo… Năm 2021, Anh là nước NK dứa lớn thứ 10 trên thế giới và thứ 6 châu Âu với 119,6 triệu tấn, trị giá 78,2 triệu USD. Dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường dứa tươi tại Anh là 3,2% trong giai đoạn 2022-2027.

Theo đánh giá của bà Hoàng Lê Hằng, Anh là thị trường tiềm năng tốt cho việc XK các sản phẩm dứa. Vấn đề là các DN Việt Nam cần nắm rõ thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh là ưa chuộng các loại quả nhiệt đới có lợi cho sức khoẻ như dứa, đặc biệt những sản phẩm organic, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép… Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận để bán sản phẩm dứa thông qua các công ty thương mại, hoặc trực tiếp cho các siêu thị, tập đoàn bán lẻ tại Anh, hoặc tham gia các hội chợ triển lãm…

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi XK sang EU, các DN có thể tận dụng những ưu đãi thuế của hiệp định EVFTA để thúc đẩy XK các sản phẩm sang thị trường này.

Nhằm giảm áp lực cho thị trường XK, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 14/CT-BCT, khẩn trương thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm phối hợp với Cục XTTM và các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước.

Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường XK hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có công tác hỗ trợ tư vấn cho các DN, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm đặc sản vùng miền…

T.Hà – T.Giang
.
.
.