Không thể dễ dãi trong chấm thẩm định sản phẩm OCOP

Thứ Sáu, 24/11/2023, 08:36

Theo Nghị quyết 62 của Quốc hội, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn quốc có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được công nhận từ 3 sao trở lên. Đến thời điểm này, chỉ tiêu 10.000 sản phẩm OCOP đã gần đạt. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, kết quả này cũng khiến nhiều người nghi ngại, liệu chỉ tiêu chấm thẩm định các sản phẩm OCOP có “dễ dãi” hay không?

Không thể dễ dãi trong chấm thẩm định sản phẩm OCOP -0
Ảnh minh họa.

Để triển khai Chương trình OCOP, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ. Cụ thể, nhóm chính sách trực tiếp: Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Bộ tiêu chí 2019); Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8/6/2020 về sửa đổi bổ sung Quyết định số 1048/ QĐ-TTg. Ngoài ra, nhóm chính sách hỗ trợ cũng đã được ban hành, như các đối tượng tham gia Chương trình OCOP được tiếp cận các chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực...

Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, Bộ tiêu chí 2019 đã bộc lộ nhiều điểm yếu, hạn chế. Theo ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý Chương trình OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương), Bộ tiêu chí 2019 chưa bao hàm đầy đủ các sản phẩm theo 6 nhóm theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thực hiện đánh giá 2 lần chưa được áp dụng triệt để…

Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thay thế Bộ tiêu chí 2019. Bộ tiêu chí mới đã nâng cao điểm số đánh giá thể hiện về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm, bao bì sản phẩm trong Bộ tiêu chí…

Tại phiên chất vấn đầu tháng 11 vừa qua, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi, với số lượng sản phẩm OCOP trên toàn quốc hiện nay khoảng 10.000 sản phẩm, liệu có tình trạng dễ dãi trong việc chấm thẩm định các sản phẩm OCOP hay không?

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, OCOP hiểu đúng nghĩa trong tiếng Việt là “mỗi làng một sản phẩm”. Điều đó có nghĩa là một sản phẩm phải là của làng, của một cộng đồng. Bộ cũng sẽ hướng dẫn cho các địa phương làm sao để sản phẩm OCOP thực sự trở thành một kết tinh từ tài nguyên bản địa, từ công nghệ, kỹ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thông tin, hiện nay, các sản phẩm OCOP 5 sao do Bộ NN&PTNT chấm thẩm định. Các sản phẩm OCOP 4 sao trở xuống là thuộc thẩm quyền thẩm định của các địa phương. “Hiện nay, việc tạo ra một sản phẩm đã khó, nhưng để đưa sản phẩm ấy ra thị trường càng khó hơn; để sản phẩm ấy tồn tại trong thị trường một cách bền vững càng khó hơn nhiều lần. Từ một sản phẩm tồn tại trong thị trường đến một sản phẩm được tối ưu hóa giá thành, tạo ra sinh kế cho cộng đồng, trở thành một khu vực kinh tế nông thôn cùng hợp tác xã đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương. Các địa phương không chỉ có trách nhiệm chấm thẩm định mà quan trọng hơn là việc hỗ trợ đưa các sản phẩm đó đến được thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Chi Linh
.
.
.