Giá thực phẩm khó biến động trong dịp Tết

Chủ Nhật, 23/01/2022, 08:31

Nguồn cung dồi dào ở cả kênh nội địa lẫn nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ không tăng do ảnh hưởng dịch COVID -19 khiến lượng khách đến nhà hàng, quán ăn giảm, bếp ăn tập thể đóng cửa… là những nguyên nhân khiến giá thịt gia súc, gia cầm khó biến động trên thị trường Tết Nguyên đán…

Nếu như trước đây, người tiêu dùng (NTD) ưu tiên chọn mua các loại thịt gia súc, gia cầm được chăn nuôi trong nước, thì đại dịch COVID-19 vừa qua khiến nguồn cung bị đứt gãy, sản phẩm chăn nuôi của người nông dân khó đến được tay NTD. Bên cạnh đó, ảnh hưởng dịch COVID -19 cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, nên các loại thịt nhập khẩu được NTD lựa chọn để thay thế thịt trong nước.

Tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thịt đã triển khai mạnh kênh online để nhanh chóng tiếp cận NTD. Trên chợ online, các loại thịt heo, bò, gà, nhập khẩu được rao bán với đa dạng sản phẩm, gần như không thiếu một loại nào như: chân giò, sườn non, sườn sụn, sườn que, xương ống, ba rọi, cốt lết... với giá khá mềm chỉ từ 60.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại.

Nếu mua theo thùng (10-15kg/thùng) thì giá rẻ hơn rất nhiều như: Khoanh bắp giò nạc giá 45.000 đồng/kg (cộng phí vận chuyển 30.000-50.000 đồng), nếu mua 4 thùng giá còn 40.000 đồng/kg, miễn phí vận chuyển; Sườn sụn nạc giá 50.000 đồng/kg khi mua 2 thùng (10kg/thùng); sườn non 78.000 đồng/kg (thùng 10kg). Các chủ kinh doanh đều cam kết 100% thịt nhập khẩu chính ngạch, có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ… Các loại thịt nhập khẩu được tiêu thụ mạnh ở các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp.

thit.png -0
Nguồn cung dồi dào, dự kiến giá thịt không “nhảy múa” trên thị trường Tết.

Tại các hệ thống siêu thị, thịt gia súc, gia cầm trong nước chiếm phần lớn, nhưng thị phần thịt nhập khẩu cũng đã tăng mạnh kể từ dịch COVID-19 đến nay. Đặc biệt, thịt bò nhập khẩu từ Canada có giá chỉ 220.000 đồng/kg (chỉ bằng 2/3 mức giá thịt bò nhập khẩu từ Mỹ), rẻ nhất trong các loại thịt bò nhập khẩu nên rất thu hút người mua. Lý do khiến lượng thịt bò nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam tăng mạnh (có thời điểm tăng đến 400%) là do các DN trong nước đã tận dụng được ưu đãi thuế quan trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Canada là thành viên, để gia tăng nhập khẩu sản phẩm thịt từ nước này.

Hiện sức mua của NTD cũng đã bắt đầu tăng, dù giá cả có nhích hơn nhưng trong những ngày giáp Tết vẫn khá ổn định. Dự kiến, sẽ khó có biến động mạnh. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong tháng Tết nhu cầu thịt gà cần khoảng 110.000 tấn, thịt lợn cần khoảng 270.000 tấn, còn thịt bò là 30.000 tấn. Trong khi đó, tổng đàn gia cầm của cả nước đạt trên 510 triệu con, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn đạt khoảng 28 triệu con, đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con. Như vậy, nguồn cung thịt hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Ông Lý Hoài Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6 (Cục Thú y) cho biết, để hỗ trợ DN nhập khẩu trong, đơn vị đã đề xuất lãnh đạo Bộ NNPTNT và Cục Thú y đối với những mặt hàng trước đây nằm trong nhóm sản phẩm động vật có nguy cơ cao buộc phải lấy mẫu 100% tại cảng, khi có kết quả rồi mới được giải phóng hàng, thì nay cho phép chỉ kiểm tra trên tần suất là 5 lô lấy mẫu 1 lô, nếu đạt yêu cầu thì giải phóng hàng.

Còn những lô không thuộc diện lấy mẫu tần suất thì kiểm tra hồ sơ và cấp giấy. Đối với những mặt hàng thuộc nhóm nguy cơ thấp, trước đây chỉ kiểm tra hồ sơ, tình trạng hàng hóa tại cảng rồi mới cấp giấy thì cũng đề xuất chỉ kiểm tra hồ sơ giấy tờ cuả DN và được lãnh đạo Bộ, Cục đồng ý. Đó là giải pháp hữu ích giúp DN trong giai đoạn khó khăn và rất được DN hoan nghênh. Đặc biệt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam khá nhiều trong thời gian qua như thịt, sữa, trứng…

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 11/2021, Việt Nam đã nhập khẩu 672.630 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thịt nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 11/2021 có giá trung bình 2.298 USD/tấn (khoảng 53.000 đồng/kg), giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thúy Hà
.
.
.