Xuất khẩu lao động khó khăn

Thứ Sáu, 14/02/2020, 07:09
Nhiều doanh nghiệp phải đàm phán lại hoặc phải hủy bỏ đơn hàng, công tác tuyển sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Vừa bước sang năm 2020, xuất khẩu lao động đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. 


Theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH), kế hoạch đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh những thị trường truyền thống lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh vào nước mình.

Nhiều đơn hàng có nguy cơ phải bỏ

Thị trường Nhật Bản là một trong những thị trường hứa hẹn tiềm năng lớn của ngành xuất khẩu lao động Việt Nam trong năm nay. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản mới đây đã thông báo về số lượng lao động nước ngoài tại nước này, tính đến thời điểm cuối năm 2019 đạt 1,65 triệu người.

Trong đó, lực lượng lao động Việt Nam đứng thứ 2 với hơn 401.000 người. Số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản cao nhất từ trước tới nay phản ánh tình trạng thiếu hụt lao động do tình trạng già hóa dân số kéo dài ở xứ sở Hoa anh đào.

Vừa bước sang năm 2020, xuất khẩu lao động Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, những năm gần đây, số lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường Nhật Bản tăng nhanh, từ hơn 54.500 người vào năm 2017, tăng lên gần 69.000 người vào năm 2018 và hơn 82.000 người vào năm 2019, chiếm hơn 50% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2019.

Dự báo, lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là nhóm lao động có kỹ năng, tay nghề, khi trở về nước sẽ góp phần cung ứng cho thị trường lực lượng lao động giàu kinh nghiệm.

Thế nhưng, vừa bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đơn hàng đưa lao động sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan đang phải đàm phán lại hoặc có thể phải hủy bỏ bởi việc nhập cảnh vào các thị trường này đang rất phức tạp.

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, khi Việt Nam công bố dịch, đơn vị này cũng đã phải ra văn bản yêu cầu các công ty xuất khẩu lao động hạn chế đưa người di chuyển trong thời gian dịch bệnh. Chỉ có những đơn hàng như sang Nhật Bản, là đất nước có hệ thống kiểm dịch tốt, phía bạn vẫn cấp visa và đối tác đề nghị thì mới đưa người đi. Đến thời điểm này chưa có con số thống kê cụ thể về các đơn hàng phải đàm phán lại để kéo dài thời gian hoặc phải hủy bỏ .

“Không chỉ bị ảnh hưởng từ việc nhập cảnh vào các nước mà công tác tuyển lao động trong nước cũng khó khăn bởi không ai muốn đi trong lúc đang dịch bệnh thế này cả. Rồi đến việc tập trung học viên để đào tạo cũng phải hủy bỏ, thậm chí người đang học dở còn phải nghỉ.

Các công ty hiện nay những ai chưa xuất cảnh đều phải vận động học viên về quê tránh dịch. Hiện cũng chưa thể biết được dịch virus Corona sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu lao động ở mức độ nào bởi nó còn tùy thuộc vào việc dịch kéo dài bao lâu”, bà Trịnh Vân Hà - Trưởng phòng thông tin và truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Sẽ có các phương án đảm bảo cho lao động

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trước diễn biến của dịch, đơn vị này đã cử một nhóm tham gia Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ LĐ- TBXH, đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp và có văn bản gửi các địa phương để cảnh báo và khuyến cáo về tình hình dịch và việc di chuyển của lao động Việt Nam.

Hiện nay, theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 650.000 lao động đang làm việc theo hợp đồng ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, có một số vùng mà lao động Việt Nam tập trung khá đông như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với thị trường Nhật Bản, hiện nay Việt Nam đang có gần 200.000 lao động làm việc tại thị trường này. Đài Loan (Trung Quốc) có khoảng 230.000 và Hàn Quốc có khoảng 50.000 lao động đang làm việc theo hợp đồng. Đối với những thị trường tập trung đông lao động Việt Nam thì Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các Ban quản lý lao động tại nước tiếp nhận phải theo dõi tình hình, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại để theo dõi tình hình sức khỏe của lao động Việt Nam và có biện pháp xử lý khi cần thiết.

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc quản lý lao động tại nước ngoài thì đối với những hợp đồng cung ứng lao động lớn, doanh nghiệp có đại diện tại nước đó sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đại sứ quán để báo cáo thông tin và rà soát lại số lượng cũng như tình hình sức khỏe của người lao động để kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý khi cần thiết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phái cử phải phối hợp với đối tác nước ngoài quản lý thì cơ quan chức năng của nước bạn cũng như Ban quản lý lao động thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài cũng có liên hệ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh đối với lao động Việt Nam tại nước đó.

“Chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng nước tiếp nhận để khuyến cáo và theo dõi đối với lao động Việt Nam. Đặc biệt là khuyến cáo lao động Việt Nam phải tuân thủ chỉ đạo về y tế của cơ quan chức năng nước sở tại để phòng tránh dịch bệnh và cũng chuẩn bị các phương án di tản, đưa lao động Việt Nam trở về nước trong trường hợp tình hình diễn biến xấu nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động cũng như tâm lý người lao động có thể an lòng mà phòng tránh cho bản thân mình”, bà Trịnh Vân Hà cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.