Xuất khẩu gạo, những bước đi vững chắc

Thứ Ba, 23/10/2018, 08:51
Lúa gạo là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL. Với tổng diện tích trồng lúa mỗi năm khoảng 4,3 triệu ha, vùng này sản xuất ra trên 25 triệu tấn lúa hàng hóa cung cấp thị trường gần 90% lượng gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam.

Từ đầu năm 2018 đến nay, XK gạo của cả nước đạt kết quả rất đáng khích lệ cả về lượng, về giá cũng như chủng loại XK. Tính đến trung tuần tháng 9-2018, XK gạo cả nước đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, với kim ngạch khoảng 2,38 tỷ USD, tăng 24,8%. 

Giá XK bình quân đạt khoảng 503,3 USD/tấn, tăng 62,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, cơ cấu, chủng loại gạo XK đã chuyển dịch tích cực. 

Cụ thể, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình, gạo cao cấp, gạo thơm và giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 9 tháng của năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ chiếm 2,07% tổng lượng gạo XK. Trong khi đó, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm 42,46% và gạo thơm chiếm đến 33,24% tổng lượng gạo XK của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, hằng năm, lượng gạo XK của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo XK toàn thế giới. Gạo Việt đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm đa dạng như: gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ. Đáng chú ý, gạo Việt Nam bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… 

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng: “Giá gạo XK của Việt Nam đã tăng từ 17 - 20%. Giá tăng do nhu cầu gạo thế giới tăng. Nhưng yếu tố chính là chất lượng gạo của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của nhiều thị trường”. 

Thu mua, chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Gentraco (TP Cần Thơ).

Theo ông Bình, giá trị XK gạo của Việt Nam tăng khá, thì yếu tố chất lượng là cơ bản. Việc cải thiện về chất lượng cho thấy hiệu quả từ tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã không còn ngồi tại kho thu mua gạo, mà tham gia liên kết với nông dân để hình thành những vùng nguyên liệu, nhằm kiểm soát được chất lượng ngay từ sản xuất.

Trong các thị trường thì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam. Trong tháng 9-2018 tăng đến 22,7% về lượng, 30,9% về kim ngạch, đạt 110.497 tấn, trị giá 51,03 triệu USD. Tính chung 9 tháng của năm 2018, thì lượng gạo XK sang Trung Quốc đạt 1,13 triệu tấn, trị giá trên 580 triệu USD, với giá trung bình đạt 515,4 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ. 

Ngoài ra, XK gạo của Việt Nam còn tăng vọt về lượng cũng như kim ngạch ở các thị trường: Ba Lan tăng 357% về lượng, 422% về kim ngạch, đạt 2.989 tấn, trị giá khoảng 1,74 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 331,4% về lượng, 369,3% về kim ngạch, đạt 4.547 tấn, trị giá khoảng 2,61 triệu USD…

Đáng chú ý, ngày 15-8-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP, về kinh doanh xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia xuất khẩu gạo; thúc đẩy ngành XK gạo của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, ngay cả với người nông dân, các HTX hay DN. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), theo Nghị định 109/CP trước đây, khi DN ký hợp đồng phải đăng ký qua VFA, nhưng kể từ ngày 1-10-2018, khi Nghị định 107/CP có hiệu lực thay thế Nghị định 109/CP thì DN không còn phải đăng ký qua VFA nữa. 

Từ sau ngày 1-10, các hợp đồng XK gạo sẽ không có ai quản lý vì không cần đăng ký với VFA hay với Bộ Công Thương, DN chỉ cần làm tờ khai Hải quan. Đến cuối tháng, các DN đầu mối XK gạo có trách nhiệm báo cáo với Bộ Công Thương số lượng đã thực hiện, số lượng ký kết hợp đồng… 

Như vậy, Nghị định 107/CP tạo điều kiện rất thuận lợi cho người sản xuất tự XK sản phẩm gạo của mình khi có đầu mối tiêu thụ.

Bên cạnh những bước đi tích cực, việc sản xuất, XK gạo của Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Theo đó, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Lũ lụt, hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn… thường xuyên xảy ra với tần suất, cường độ ngày càng tăng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. 

Bên cạnh đó, canh tranh toàn cầu trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo ngày càng gia tăng, đặc biệt cạnh tranh về chất lượng và giá trị; cơ sở hạ tầng trong sản xuất lúa gạo còn hạn chế, nhất là vấn đề logistic… cũng là những yếu tố “gây khó” cho XK gạo. 

Ngoài ra, năng lực thâm nhập thị trường, quảng bá, đàm phán ký kết hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, XK gạo còn hạn chế. Các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Người tiêu dùng biết đến gạo Việt thông qua một thương hiệu khác hoặc sản phẩm gạo đã được chế biến…

Đức Văn
.
.
.