Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc

Chủ Nhật, 15/04/2018, 11:20
Lúa gạo được xem là một trong những mặt hàng nông sản chiến lược và thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Với tổng diện tích trồng lúa mỗi năm khoảng 4,3 triệu hecta, nơi đây sản xuất ra trên 25 triệu tấn lúa hàng hóa cung cấp thị trường gần 90% lượng gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam.

Nhiều khởi sắc

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo XK trong những tháng đầu năm nay tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về mặt thị trường. 

Dự báo trong cả năm 2018, sẽ có những diễn biến tích cực và thuận lợi hơn cho những nước XK gạo. Bởi ở nước XK gạo lớn nhất là Ấn Độ, sau một thời gian đẩy mạnh XK gạo, lượng gạo tồn kho đã giảm đáng kể. 

Thái Lan đã giải quyết hết lượng gạo tồn kho chất lượng thấp. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu đã khiến cho một số quốc gia từng ngưng nhập khẩu gạo như Indonesia, nay đã cho nhập khẩu trở lại để cân đối nhu cầu lương thực. 

Sự khởi sắc của XK gạo ngay từ đầu năm, thể hiện rõ nét ở khía cạnh giá cả. Hiện tại, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán với mức 425-430 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 20USD/tấn. 

Giá gạo thơm trên dưới 600 USD/tấn, nếp 525 USD/tấn. Giá lúa gạo nội địa cũng đang ở mức cao. Thông tin từ VFA cho thấy, giá lúa khô loại thường ở ĐBSCL hiện vào khoảng 6.000 - 6.200 đồng/kg, lúa hạt dài 6.300 - 6.600 đồng/kg.

Nhiều tín hiệu vui đầu năm đối với lĩnh vực xuất khẩu gạo.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết: “Giá gạo XK của Việt Nam đã tăng 17 - 20%. Giá tăng do nhu cầu gạo thế giới tăng. Nhưng yếu tố chính là chất lượng gạo của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhiều thị trường. 

Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc đã rất khắt khe về chất lượng, khi cơ quan chức năng của họ đã sang Việt Nam kiểm tra các nhà máy và mới chỉ cấp phép XK gạo sang Trung Quốc cho 22 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của họ”. 

Theo ông Bình, giá trị XK gạo của Việt Nam tăng khá, thì yếu tố chất lượng là cơ bản. Việc cải thiện về chất lượng cho thấy hiệu quả từ tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo. 

Nhiều doanh nghiệp đã không còn ngồi tại kho thu mua gạo, mà tham gia liên kết với nông dân để hình thành những vùng nguyên liệu, nhằm kiểm soát được chất lượng ngay từ sản xuất.

Xu hướng chuyển dịch loại sản phẩm và thị trường

Ấn Độ và Thái Lan được dự báo tiếp tục giữ vững ngôi vị nước XK gạo số 1 và số 2 trong năm 2018, ngay cả khi kim ngạch XK gạo của hai nước này đều dự báo giảm so với năm 2017. 

Do sản xuất gạo Basmati giảm và triển vọng nhu cầu gạo của thị trường Nam Á cũng yếu đi, Tổ chức lương nông thế giới (FAO) dự báo XK gạo năm 2018 của Ấn Độ giảm 8% so với năm 2017, xuống còn 10,8 triệu tấn. 

FAO cũng dự báo XK gạo Thái Lan năm 2018 giảm 750.000 tấn so với năm 2017, xuống còn 10,3 triệu tấn, chủ yếu do dự trữ gạo đủ chất lượng làm thực phẩm của chính phủ cạn kiệt, có thể làm gia tăng cuộc cạnh tranh với các nhà cung cấp khác tại châu Á, đặc biệt là trong phân khúc gạo cấp thấp hơn. 

Trong khi đó, XK gạo của Việt Nam năm 2018 được dự báo tăng, chủ yếu do sự phục hồi của các thị trường truyền thống là Philippines và Indonesia. Mặc dù còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất năm 2018, nhưng FAO dự báo XK gạo Việt Nam đạt khoảng 7,2 triệu tấn trong năm 2018.

Thu mua, chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Gentraco (Cần Thơ).

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, năm 2018, thị trường lúa gạo Việt Nam đang dần chuyển dịch từ XK gạo chất lượng thấp sang chất lượng cao. 

Trong năm 2017, cơ cấu gạo thơm, gạo Nhật, gạo nếp tiếp tục tăng, gạo trắng chất lượng thấp giảm. Nhu cầu gạo thơm năm 2018 tiếp tục tăng cao; nhu cầu gạo thơm ST từ thương nhân Trung Quốc và nhu cầu gạo Jasmine (Đài Thơm 8) từ các thị trường châu Phi. 

Xuất hiện xu hướng hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp XK gạo Việt Nam với các tập đoàn kinh doanh nông sản quốc tế. Với việc liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới; tiếp cận được hệ thống phân phối tại các thị trường này. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, một trong những chuyển biến quan trọng nhất của XK gạo Việt Nam trong những năm qua là giảm mạnh tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng mạnh tỷ trọng gạo chất lượng cao, gạo có giá trị gia tăng cao. 

Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng là yêu cầu quan trọng nhất trong XK gạo. Các doanh nghiệp XK gạo cần chú trọng cải thiện hơn nữa các vấn đề chất lượng, nhất là khi XK sang những thị trường trọng điểm như Trung Quốc…

Theo Bộ NN&PTNT, quý I-2018, XK gạo cả nước ước đạt hơn 1,2 triệu tấn, trị giá khoảng 700 triệu USD, tăng trên 60% về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, XK gạo nước ta có mức tăng trưởng mạnh như vậy. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, chất lượng gạo được nâng cao là hai yếu tố quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng đột biến của ngành lúa gạo. Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của Việt Nam giữ mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh, như: Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, từ 50 - 100 USD/ tấn.
Đức Văn
.
.
.