Xu hướng sử dụng thịt lợn đông lạnh tăng cao

Chủ Nhật, 05/01/2020, 06:48
Mặc dù giá thịt lợn đã giảm nhiệt sau khi tăng sốc kể từ tháng 10-2019 đến nay (tăng 100% so với tháng trước đó), nhưng nhìn chung giá thịt lợn giá vẫn còn ở mức khá cao.


Trong khi đó, thịt lợn nhập khẩu có giá thấp hơn rất nhiều, người tiêu dùng (NTD) trước đây không quen sử dụng thịt nhập khẩu đông lạnh thì nay trước “cơn bão” giá, cũng đã dần chuyển sang tiêu thụ thịt lợn đông lạnh...

Ghi nhận tại chợ Phước Long (quận 7), chợ Phú Xuân (huyện Nhà Bè), thịt cốt lết 138.000 -140.000 đồng/kg, nạc đùi, nạc xay, nạc dăm 155.000 -165.000 đồng/kg, chân giò 125.000 - 135.000 đồng/kg, riêng thịt ba rọi rút sườn giá cao ngất ngưởng 245.000 -255.000 đồng/kg...

Chị Mai, tiểu thương chợ Phú Xuân cho biết: “Giá này thấp hơn 2-3 ngày trước 9-10 giá rồi, nhưng nhìn chung thì giá còn cao quá nên bán cũng ế ẩm”. Tại siêu thị, giá thịt lợn thấp hơn chợ truyền thống nhưng không đáng kể, như C ông ty Vissan: Thịt cốt lết giá 138.000 đồng/kg, nạc xay 159.000 đồng/kg, nạc đùi, nạc dăm 161.000 đồng/kg, giò rút xuơng 149.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 250.000 đồng/kg...và một số mặt hàng khuyến mãi như chân giò giá 128.000 đồng/kg (giảm còn 115.200 đồng/kg); dựng 135.000 đồng/kg (giảm còn 121.500 đồng/kg), xương bộ 70.000 đồng/kg (giảm còn 63.000 đồng/kg).

Tại hệ thống Big C và GO! bán với giá bằng giá vốn, các loại thịt lợn giảm từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với tuần trước đó... Theo giải thích của đại diện các hệ thống bán lẻ, sở dĩ giá bán thịt lợn tại các hệ thống siêu thị có giá ổn định và rẻ hơn so với giá thị trường bên ngoài là do trước đó siêu thị đã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thịt lợn để chuẩn bị trước nguồn hàng cho thị trường Tết.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra đến nay, tổng đàn lợn cả nước đã giảm gần 6 triệu con. Tỉnh bị thiệt hại ít là 9%, còn thiệt hại nhiều như tỉnh Tiền Giang đến 90%.

“Thủ phủ” của ngành chăn nuôi là tỉnh Đồng Nai cũng bị thiệt hại 34%. Qua đó cho thấy, tổng đàn lợn trên cả nước không còn nguyên vẹn như những năm trước. Với tình hình đó, để ổn định nguồn cung cho thị trường, nhất là thị trường Tết, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp. 

Cụ thể, khi thịt lợn bắt đầu tăng giá “phi mã”, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có ngay văn bản gửi cho các địa phương cung cấp thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh để nắm sát diễn biến thị trường.

Bên cạnh đó, TP cũng tăng cường nhập khẩu thịt lợn, đồng thời yêu cầu các DN tăng cường các loại thịt khác thay thế như thịt gà, vịt, bò, kể cả thủy hải sản. Vấn đề còn lại là người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường.

Tính từ đầu năm đến ngày 10-12, TP Hồ Chí Minh nhập 14.000 tấn thịt lợn đông lạnh (tăng 150% so với cùng kỳ 2018). Bên cạnh đó, hiện nay có một DN đang nhập khẩu 500 tấn thịt lợn, Công ty Vissan luôn chuẩn bị nguồn hàng 4.000 tấn, Công ty San Hà đang chuẩn bị nguồn 1.000 tấn thịt lợn. Như vậy sản lượng thịt lợn đông lạnh có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi yêu cầu các hệ thống phân phối bán lẻ đưa thịt đông lạnh ra bán để người dân quan tâm hơn thịt đông lạnh. Qua khảo sát đánh giá, Công ty San Hà là đơn vị bán thịt lợn đông lạnh đầu tiên ra thị trường, người dân mua rất tốt. Tiếp đến là các công ty Vissan, Saigon Co.op, Satra, Vinmart … đưa thịt đông lạnh ra bán, NTD cũng bắt đầu tiếp nhận được sản phẩm đông lạnh”, bà Trang cho hay.

Ngoài lượng thịt lợn trong nước và nhập khẩu, lượng hàng DN TP Hồ Chí Minh bình ổn đưa ra thị trường Tết gần 8.000 tỷ đồng (chiếm gần 50% tổng lượng hàng của TP chuẩn bị cho thị trường Tết). Trong đó, riêng lượng thịt gia cầm tăng 30-40% để thay thế thịt lợn; Trứng gà tăng 150%, các mặt hàng khác như dầu ăn, gạo, đường… các DN cam kết tăng 10-15% so với Tết 2019.

Thịt lợn trước khi đưa vào hệ thống siêu thị được kiểm tra truy xuất nguồn gốc.

“Trong thời gian qua, các bộ cũng đã đưa ra một số giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết. Tuy nhiên những giải pháp này có thực hiện tốt, hiệu quả hay không tôi nghĩ phụ thuộc 90% vào người dân, vì nếu người dân không đồng hành thì bất lợi, 10% còn lại phụ thuộc vào các cơ quan, ban, ngành, có trách nhiệm tích cực để giải quyết”, bà Trang khẳng định.

Thịt lợn nhập về Việt Nam giá chỉ hơn 25.000 đồng/kg

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt hơn 111 nghìn tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng và 97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải chịu nhiều mức thuế và chi phí nên giá tương đương khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg. Từ tháng 11 đến nay, giá thịt lợn nhập khẩu đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước đó do nhu cầu ngày càng đang tăng mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước với tổng số 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam.

Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước, các doanh nghiệp đã được Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản (trong đó có thịt lợn), chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm).

Trong khi đó, theo khảo sát của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc, dao động 90.000 - 95.000 đồng/kg, nhưng đà tăng đã chững lại và bắt đầu đang điều chỉnh giảm.

Để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.

Lưu Hiệp

Thúy Hà
.
.
.