Xây dựng thương hiệu mạnh để cạnh tranh

Thứ Sáu, 23/04/2021, 06:57
Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt cần phải xây dựng được thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý… để nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng được các ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại…

Sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý vào ngày 28/2/2019. UBND huyện Hương Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Mới đây, UBND huyện Hương Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho Công ty TNHH SX TM DV Phú Hồng Thành (TP Hồ Chí Minh) được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" cho tất cả các sản phẩm nhung hươu của công ty phân phối ra thị trường có nguồn gốc từ huyện Hương Sơn.

Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản.

Có thể thấy, việc thực hiện các cam kết trong các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã khiến các đơn vị, DN Việt tập trung xây dựng thương hiệu Việt để từng bước giành thị phần tại thị trường xuất khẩu (XK). 

Điển hình, mới đây nhất, ngày 12/3, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng đã được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật. Điều này khẳng định, chất lượng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được thị trường "khó tính" như Nhật chấp nhận sẽ là điều kiện thuận lợi để mặt hàng vải thiều Lục Ngạn có cơ hội mở rộng sang nhiều thị trường khác.

Tương tự, với Hiệp định EVFTA, cam kết về chỉ dẫn địa lý cũng được xem là đòn bẩy, thúc đẩy phát triển thương hiệu Việt ra thị trường EU. Theo đó, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, chủ yếu các mặt hàng rau quả, công nghiệp chế biến, thủy sản... như: Thanh long Bình Thuận, vú sữa Vĩnh Kim, mãng cầu Bà Đen, quýt Bắc Cạn, xoài Yên Châu, xoài Hòa Lộc, vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, hồng Bắc Cạn, hồng Bảo Lâm, cam Cao Phong, cam Vinh, bưởi Tân Triều, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, sò Quảng Ninh, mực Hạ Long...

Bà Nguyễn Xuân Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định, các chỉ dẫn địa lý này hầu hết là những mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế XK, mang tính rất đặc trưng và nổi tiếng ở thị trường trong nước lẫn quốc tế như nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuột, vải Lục Ngạn, mật ong Mèo Vạc, nho Ninh Thuận... hoặc một số thương hiệu rau quả khác. Với việc EU cam kết bảo hộ cho 39 chỉ dẫn địa lý, sẽ có tác động rất lớn trong việc giúp Việt Nam xây dựng và định hình, phát triển các thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản.

Ngoài xây dựng các thương hiệu về chỉ dẫn địa lý, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cũng đang được các DN quan tâm trong bối cảnh các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đi vào hiệu lực, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam ngày càng sâu rộng. 

Tại sự kiện khai mạc “Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021” ở TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, hoạt động này diễn ra từ ngày 19 đến 25/4, nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các DN phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2020, Việt Nam đã có 124 DN với 283 sản phẩm được công nhận đạt thương hiệu quốc gia, trong đó đã có nhiều thương hiệu đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản.
Thúy Hà
.
.
.