Xây dựng thương hiệu để làng nghề vươn khỏi “lũy tre làng”
- Báo động tình trạng ô nhiễm và xâm lấn đất đai ở làng nghề Vĩnh Phúc
- “Đánh thức” làng nghề truyền thống nhờ mỹ thuật
Từ làng nghề, 11 triệu người có việc làm
Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề” dù tổ chức giữa ngày giá lạnh của mùa đông miền Bắc- 27-12, vẫn trở nên “nóng sùng sục” khi thu hút được trên 500 đại biểu, gồm đại diện các Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh và đại diện nhiều hiệp hội, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của các làng nghề từ các tỉnh, thành phố. Đây là hoạt động nhằm Hưởng ứng Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương phát động tháng 9-2019.
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế làng nghề đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước. Các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, kinh tế làng nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, vốn và hỗ trợ tài chính của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững… “Có những buổi sáng đi công tác ngang qua Bắc Ninh, tôi ngạc nhiên thấy giữa mùa hè mà trời mờ ảo như trong sương khói. Thì ra không khí mù mịt là khí thải ra từ các ống khói của làng nghề. Không những khói, mà mùi ô nhiễm cũng nồng nặc từ khí xả thải đó. Chưa kể, tình trạng ô nhiễm rác thải và ô nhiễm nguồn nước cũng đang rất báo động”, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết.
Sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia. |
Báo động tình trạng ô nhiễm
Đi vào cụ thể về tình trạng ô nhiễm, TS. Dương Đình Giám - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược,Chính sách công nghiệp cho rằng mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cách thức tổ chức quản lý sản xuất của các làng nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường…
Đồng tình với nhận định này, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka cho rằng hầu hết các làng nghề hiện nay sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường, khiến đất đai, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Tình trạng này diễn ra ở khắp các làng nghề tại Bắc Ninh như làng nghề Phong Khê, Đa Hội, Mẫn Xá, Đại Bái,... hàng chục năm. Cảnh báo về vấn nạn ung thư và hiện tượng chết trẻ tại một số làng nghề, ông Mẫn Ngọc Anh cho rằng để hạn chế tình trạng này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và tích cực hơn nữa của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, kiên quyết xử lý hành vi đổ chất thải nguy hại ra môi trường, Cùng với đó, phải có cơ chế cụ thể, ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu gom, tập kết chất thải tại chỗ để có mặt bằng sạch.
“Doanh nghiệp chúng tôi rất mong có được cơ chế hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng để đầu tư vào xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề, đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại; mong được đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng để giảm dần khoảng cách với thành thị, có thể theo hình thức BT ưu đãi để huy động nguồn lực xã hội hoá”, ông Ngọc Anh kiến nghị.
Ngoài ra, với tư cách là doanh nghiệp làng nghề, ông Ngọc Anh cũng cho rằng cần có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính đất đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề, đồng thời Nhà nước cần có những chính sách tạo sự liên kết giữa nông - công - thương, giữa các doanh nghiệp, tổ chức thương mại, dịch vụ với nhau; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng chuyển giao các kỹ thuật hiện đại tiên tiến, đưa công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo vào việc phát triển kinh tế làng nghề...
Giữ hồn cốt văn hóa trong từng thương hiệu
Đứng trên góc độ xây dựng chính sách, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng thách thức lớn nhất của kinh tế làng nghề Việt Nam là giữ lại bản sắc dân tộc, cái hồn túy của dân gian mà vẫn đứng được trên thị trường, vẫn cạnh tranh, vẫn phát triển được. “Bản sắc là cái chất, cái tích trong từng sản phẩm. Nhưng cái tích ấy phải được áp dụng với công cụ mới để tiếp cận thị trường, tiếp cận người mua là khách hàng. Đằng sau đó phải có nguồn lực, phải có đào tạo, phải có nghệ nhân, và nếu cái tích không phù hợp, không hấp dẫn sẽ không đem lại hiệu quả”, TS Thành góp ý.
Cùng quan điểm, TS Dương Đình Giám góp nhấn mạnh việc phải tạo nguồn nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu cho làng nghề và chú trọng việc xây dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm nhà đầu ra cho sản phẩm. “Các HTX và doanh nghiệp nhỏ còn mặc cảm, tự ti, lo ngại thủ tục nên chưa đăng ký thương hiệu. Ở TP Hồ Chí Minh có đến 90% HTX chưa đăng ký thương hiệu. Việc đăng ký thương hiệu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết cùng đăng ký thương hiệu theo nhóm sản phẩm, tự kiểm soát chất lượng”, TS Giám nói.
Bổ sung thêm, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam lưu ý thêm về những chính sách ưu tiên cho con em học nghề, hướng dẫn những người là con em làng nghề tốt nghiệp từ các trường mỹ thuật quay về phát triển trên cơ sở giữ gìn bản sắc làng nghề. Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng là phải có thái độ chính sách phù hợp với các nghệ nhân cao tuổi, đặc biệt là với những người có kỹ năng độc đáo thì phải ưu tiên đầu tư khai thác, phát triển...