Xác định logistics là sản phẩm dịch vụ chủ lực của TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 08/08/2018, 08:42
Có hàng trăm ngành sản xuất thương mại - dịch vụ nhưng đến nay, TP Hồ Chí Minh – địa phương được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả nước vẫn chưa có sản phẩm thương mại - dịch vụ chủ lực. Chính thực tế này,  UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành chức năng lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp (DN) trong ngành bán lẻ, dịch vụ, chuyên gia... để xây dựng tiêu chí sản phẩm chủ lực cho thành phố. 


Nhiều DN cho rằng, nên đưa logistics thành sản phẩm chủ lực của TP Hồ Chí Minh. Theo giải thích của bà Đặng Thị Minh Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Minh Phương, các trung tâm logistic ở TP Hồ Chí Minh hiện đang rất manh mún, nhỏ lẻ, còn những trung tâm logistics lớn nhất thì lại ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Trong khi đó, hàng hóa hiện nay nhập khẩu vào Việt Nam 60% là qua cảng TP Hồ Chí Minh, nhưng sau đó về các tỉnh lân cận rồi mới vận chuyển ngược lại cung ứng cho TP Hồ Chí Minh. Tương tự, với hàng xuất khẩu, các DN nước ngoài họ đặt trung tâm logistics quốc tế tại Việt Nam cũng ở Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Khi cần xuất khẩu, thì họ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh lên cảng TP Hồ Chí Minh.

Như vậy, doanh thu logistics “đều rơi” vào các tỉnh lân cận. Do đó, để tăng nguồn thu thì phải đưa logistics về TP Hồ Chí Minh. Cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ logistics phát triển, đặc biệt là trung tâm phân phối bao gồm nội địa và quốc tế.

Tại cảng TP Hồ Chí Minh, hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu qua cảng Cát Lái.

Bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện nay hàng hóa vào TP Hồ Chí Minh thông qua hệ thống Cảng do đơn vị quản lý chiếm đến 92%. Hàng năm, mức tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa bình quân 10-12%. Hầu như, các đối tác nước ngoài khi đưa hàng về Việt Nam đều chọn cảng Cát Lái.

Dù đây là điều tốt cho công ty nhưng đã tạo áp lực lên giao thông kết nối đến cảng Cát Lái. Nguyên nhân chính khách hàng chọn cảng Cát Lái, đó là ngoài chất lượng dịch vụ tốt thì hệ thống kết nối của Cát Lái được hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống ICD - nơi tập kết hàng hóa container dọc khu vực xa lộ Hà Nội.

Trong khi trước đây, thành phố cũng đã quy hoạch phía Nam là “thành phố cảng” nhưng không thu hút được nhà đầu tư do thiếu hệ thống logistics. “Hiện nay Long An, Bình Dương cũng đang đầu tư mạnh trong việc xây dựng cảng quốc tế. Nếu TP Hồ Chí Minh không đầu tư sớm logistics thì sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh lân cận”, bà Vân thông tin.

Đánh giá cao tầm quan trọng của ngành bán lẻ hiện đại, ông Nguyễn Phú Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV cho rằng, nên tập trung phát triển mạnh chuỗi cung ứng hậu cần cho ngành bán lẻ, bởi đây là một trong sáu ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Để giải bài toán logistics ở TP Hồ Chí Minh, theo bà Đặng Thị Minh Phương, thành phố cần có quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng, mặt bằng để đặt vị trí trung tâm logistics thuận tiện. Cần chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN đầu tư trong lĩnh vực logistics. Đặc biệt là nguồn ngân sách hỗ trợ để đào tạo nguồn nhân lực biết ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành logistics.

Ngoài ra, hiện thành phố đang xây dựng các tuyến metro, có thể phối hợp tuyến này vừa vận chuyển hành khách vừa vận chuyển hàng hóa giao cho các trung phân phối cũng là cách giảm kẹt xe và giảm chi phí, hiện vận tải đường bộ chiếm 50-55% trong chi phí logistics.

Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, thành phố không chỉ thu hút logistics của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà hiện nay tất cả DN khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn lên thành phố lấy container rỗng về đóng hàng rồi chuyển lên cảng TP Hồ Chí Minh đi xuất khẩu. Hiện tại chưa có hãng tàu nào đồng ý mở code để mở container rỗng từ ĐBSCL, do đó việc kết nối đường bộ cần được tính đến.

Hiện cả nước hiện nay có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong số đó 70% có trụ sở ở khu vực TP Hồ Chí Minh. Thế mạnh của các DN logistics trong nước là đầu tư – khai thác Cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đầu tư - khai thác kho và có đội ngũ nhân sự lành nghề. Theo các chuyên gia, ngành dịch vụ logistics được đánh giá là ngành mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Hiện nay, trong nước đã có những yếu tố thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ này. Chẳng hạn, về chính sách và luật lệ liên quan đến các hoạt động logistics, hiện đã và đang có thay đổi theo hướng tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Gần 100% việc nộp thuế của DN đã thông qua hình thức điện tử. Trên 90% khai báo hải quan xuất nhập khẩu được tiến hành bằng phương pháp điện tử thông qua cơ chế một cửa quốc gia...

Một thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước, trong đó vận tải chiếm 40-60% chi phí, là một thị trường dịch vụ khổng lồ.

Thúy Hà
.
.
.