Phế liệu rầm rộ nhập về Việt Nam!

Thứ Sáu, 03/08/2018, 08:56
Sáng 2-8, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Hàng hải Việt Nam có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh cảng biển và các chủ tàu để bàn cách giải quyết phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển.

Theo báo cáo của các Cảng vụ Hàng hải, hiện nay lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu dẫn đến tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển. Tính đến ngày 26-6, container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh và cảng biển Hải Phòng là 5.724 container.

Trong đó, tại cảng biển ở TP Hồ Chí Minh, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, tương đương 9.000 teu (riêng cảng Cát Lái là 3.464 container). Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy, 80% còn lại là phế liệu nhựa và các loại phế liệu khác.

Tại cảng biển khu vực thành phố Hải Phòng số phế liệu đang tồn là 1.476 container, tương đương 2.500 teu. Đại diện các cảng biển cho rằng, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cảng biển, ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, là chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của hãng tàu, làm gia tăng chi phí cho DN.

Phế liệu nhập khẩu đang nằm tại cảng.

Dự báo, thời gian tới, phế liệu vẫn còn tiếp tục ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam vì theo thông tin từ các hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng nhập một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy, và có khoảng 2.000 teu đang trên đường vận chuyển về Việt Nam.

Giải thích nguyên nhân trước tình trạng container phế liệu thi nhau đổ bộ vào các cảng biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế, dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc phải tìm đối tác khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, 36 mặt hàng phế liệu nhập khẩu nhưng chỉ có 15 mặt hàng có quy chuẩn. Đây chính là kẽ hở lớn về pháp luật trong nhập khẩu phế liệu. Đại diện các cảng biển lo ngại, hàng phế liệu nhập khẩu ngày càng nhiều, nhưng khâu quản lý chưa chặt, có nguy cơ Việt Nam trở thành “rốn” phế liệu nhập khẩu của các nước.

Tính đến nay, lượng phế liệu tồn kho tại các cảng trong thời gian dài chiếm tỷ lệ cao. Như tại cảng Cát Lái, có đến 2.068 container và tại cảng biển Hải Phòng có 1.005 container lưu quá 90 ngày. Ngoài ra, có nhiều container lưu lại tại cảng từ 5 - 7 năm. Việc lưu tồn hàng phế liệu nêu trên trong thời gian dài dẫn đến phát sinh chi phí cao, hàng hóa hư hỏng, thiệt hại kinh tế cho DN cảng và hãng tàu. Cũng có không ít trường hợp hàng vắng chủ, khiến cơ quan hải quan phải phát thông báo để tìm chủ hàng.

Trong khi đó, các chủ hàng than phiền rằng do thủ tục nhận hàng quá nhiêu khê, tốn nhiều thời gian dẫn đến gia tăng chi phí, thậm chí có khi chi phí còn cao hơn cả hàng phế liệu nên các chủ hàng rất ngán ngại. Đại diện Cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT) tính toán: “Muốn giải quyết phế liệu tồn ở cảng, thường DN mất 322 ngày làm việc. Nếu tính cả ngày thứ 7 và chủ nhật sẽ mất 1-2 năm. Với thời gian như trên chắc chắn hàng hóa không hư cũng biến chất. Hậu quả, hàng buộc phải bán rẻ hoặc tiêu hủy”.

Ngoài thời gian làm thủ tục nhận hàng lâu, mức phí quá cao như hiện nay, cũng khiến DN không dám nhận hàng. Ông Trịnh Phương Nam – Giám đốc Trung tâm điều độ của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, sẽ không có chuyện miễn phí lưu bãi đối với container phế liệu nhập khẩu. Vì làm như vậy tạo tiền đề không tốt, bảng giá vẫn được giữ nguyên.

Không chỉ xử lý container phế liệu đang tồn tại các cảng biển, giải pháp hạn chế container phế liệu về cảng trong thời gian tới cũng được các DN, cơ quan chức năng quan tâm như: cần quản lý tốt khâu trước khi hàng lên tàu cập cảng. Bộ Tài nguyên Môi trường phải có danh sách đơn vị nhập khẩu, định danh từng lô hàng, chuyến tàu về,… hãng tàu tăng cường kiểm soát chặt chẽ giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi hàng lên tàu tại cảng xuất khẩu...

Ngoài ra, cũng để hạn chế mức thấp nhất phế liệu nhập khẩu về cảng biển Việt Nam, một số cảng kiến nghị, xem xét kỹ lưỡng năng lực DN trước khi cấp phép nhập khẩu phế liệu. Hiện, phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua là Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, mỗi tháng Việt Nam chi khoảng 200 triệu USD nhập khẩu phế liệu.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi số tiền gấp hơn 3,5 lần so với tổng số tiền chi để nhập nhựa phế liệu trong cả năm 2017. Xét về số lượng, 6 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu lượng nhựa phế liệu gấp hơn 3 lần năm 2017 (khoảng 90.000 tấn).

Thúy Hà
.
.
.