Vì sao người tiêu dùng nghi ngại với thịt lợn nhập khẩu?

Thứ Hai, 13/04/2020, 08:55
Cuối tháng 3, gần 1.500 tấn thịt lợn Nga đã được nhập về Việt Nam qua cảng Cát Lái, Phước Long và cảng Hải Phòng. Hiện có thêm khoảng 2.000 thịt lợn của Nga cũng đang trên đường về nước. Trước Nga, Việt Nam cũng từng nhập khẩu thịt lợn của các nước khác như Hàn Quốc, Canada. Tuy nhiên, nếu vào các siêu thị, rất khó tìm mua được loại thịt này.

Theo Cục Thú y, tính đến ngày 27-3, Việt Nam đã nhập 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so cùng kỳ năm 2019. Các nguồn chính cung cấp thịt lợn cho Việt Nam là: Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65%, Nga 2,62%. Trước đó, trong năm 2019, Việt Nam đã nhập 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018.

Thực tế, giá thịt lợn hơi hiện đang được một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn bán ra 70.000 đồng/kg, còn giá trên thị trường ở mức 80.000 đồng/kg, đã bắt đầu giảm nhẹ so với tuần trước đó. Nhưng mức giảm chưa đủ để kéo giá thịt lợn trên thị trường về trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Sườn lợn bỏ cục của Canada chỉ có giá trên 100.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn trong nước cao, người tiêu dùng cũng muốn chuyển sang sử dụng thịt lợn nhập khẩu vì giá của loại thịt này rất rẻ. Nhưng hầu hết các siêu thị không bán thịt lợn nhập khẩu, các chợ dân sinh càng không xuất hiện “bóng dáng” loại thịt này. Vậy hàng nghìn tấn thịt lợn sẽ đi đâu, bán cho ai? Trong khi, kỳ vọng của Chính phủ cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là dùng thịt lợn nhập khẩu để bình ổn giá thịt lợn trong nước.

Thực tế, giá bán trên thị trường của thịt lợn nhập khẩu rất rẻ, thậm chí rẻ bằng một nửa thịt lợn trong nước. Nhưng như nhiều người tiêu dùng vẫn nói vui khi được hỏi mua thịt lợn rẻ ở đâu là: “Lên tivi mà mua”, vì khó tìm mua được thịt lợn nhập khẩu ở hai địa chỉ trên.

Tuy nhiên, thịt lợn nhập khẩu lại đang được bán trên mạng xã hội rộng rãi. Chỉ cần vào Facebook và search từ khoá “thịt lợn nhập khẩu”, hoặc “thịt lợn Nga”, có thể thấy thịt lợn nhập khẩu có mặt khắp nơi từ miền Bắc đến miền Nam. Tất cả các chợ bán hàng online, group bán hàng online đều đông đảo người bán mặt hàng này. Đơn cử, một nhóm bán hàng trên mạng với lượng thành viên khủng hơn 650.000 thành viên, mỗi ngày ước chừng có khoảng cả trăm người rao bán thịt lợn nhập khẩu. Và giá rất rẻ, từ 115.000-130.000 đồng/kg thịt ba chỉ của Nga, sườn của Canada giá bán 100.000-120.000 đồng/kg…

So sánh với giá thịt lợn tại siêu thị Vinmart ngày 12-4 sẽ thấy khoảng cách khá lớn. Sườn non của Công ty CP tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội có giá 236.000 đồng/kg, thịt bắp giò 180.000 đồng/kg, nạc thăn 185.000 đồng/kg. Và thịt mát Meat Deli giá sườn vẫn cao ở mức trên 290.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt lợn nhập khẩu được rao bán trên mạng rất rẻ. Sườn cánh buồm (của Canada) đã được loại bỏ xương cục được rao bán với giá dao động từ 100.000 -110.000 đồng/kg.

Thịt lợn ba chỉ Nga cũng chỉ có giá 110.000 – 120.000 đồng/kg. Một tài khoản khác trên mạng cũng đang rao bán thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha, trong đó giá thịt ba chỉ 160.000 đồng/kg, nạc dăm giá 160.000 đồng/kg, sụn heo giá 155.000 đồng/kg.

Mức giá hấp dẫn của thịt nhập khẩu khiến các bà nội trợ bắt đầu quan tâm. Thậm chí, nhiều người còn chung mua nguyên 1 thùng sườn về chia nhau để được giá rẻ hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến dè chừng với loại thịt này. Chị Hoàng Thanh, chung cư An Bình (Cổ Nhuế) cho biết: “Tôi cũng thấy cùng khu có nhiều mẹ rủ nhau mua thịt lợn nhập khẩu nhưng mua trên mạng trôi nổi tôi cũng không dám mua, không hiểu chất lượng có đảm bảo không. Tìm đến các siêu thị thì chẳng có siêu thị nào bán cả”.

Một số ít người vẫn giữ thói quen ăn thịt tươi, “nóng” nên cũng không mặn mà với loại hàng đông lạnh ngoại quốc giá rẻ này. Ngược lại, nhiều người đã mua và ăn thịt lợn nhập khẩu lại khá hài lòng. Chị Lan Hương, khu đô thị Đặng Xá, chia sẻ, trên chợ bán online của riêng khu đô thị có nhiều người bán thịt lợn nhập khẩu và chị đã thử mua một tảng sườn Cánh Buồm về ăn. “Sườn nạc và khá mềm, tôi làm món sườn chua ngọt hay hầm canh đều ngon. Giá cả rất hợp lý. Nếu thịt ở chợ vẫn đắt như hiện nay thì gia đình tôi sẽ chuyển sang ăn thịt lợn nhập khẩu”, chị Hương nói.

Công ty TNHH Nhiêu Lộc, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, một trong 15 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn lớn với trên 1.100 tấn từ tập đoàn của Miratorg Nga đang niêm yết giá phân phối khá rẻ. Tuy nhiên, so với số lượng thịt công ty đặt mua khá nhiều nhưng thực sự giao đến nay chỉ mới hơn 200 tấn do hàng về phải được kiểm nghiệm thú y từng container hàng.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ thịt heo nhập khẩu cũng đang gặp khó khăn. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, các bếp ăn tập thể, chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp và một số trường học đóng cửa, khiến nguồn hàng bán ra của công ty bị chậm lại. Theo một số nhà nhập khẩu, giá thịt cao nhất khoảng 125.000 đồng/kg với các thị trường có thuế nhập khẩu cao như Ba Lan (15% thuế nhập khẩu), Canada (9% thuế nhập); còn với những quốc gia được hưởng ưu đãi thuế 0% thì giá thịt lợn đông lạnh khi ra thị trường khá rẻ.

Như vậy, con đường của thịt lợn nhập khẩu đến tay người tiêu dùng vẫn còn khá xa, khi các kênh tiêu thụ chính là các siêu thị vẫn thờ ơ với sản phẩm này. Và người tiêu dùng, không phải ai cũng biết lên mạng tìm mua thịt lợn nhập khẩu cũng như còn nghi ngại về chất lượng vì mua bán online thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.

Chi Linh
.
.
.