Chênh lệch giá thịt lợn trong nước và nhập khẩu

Thứ Tư, 08/04/2020, 11:39
Từ trước Tết Nguyên đán, giá thịt lợn trong nước luôn đứng ở mức cao do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, DTLCP đã được đẩy lùi, đàn lợn trong nước đang tăng mạnh, nhưng giá thịt lợn vẫn không chịu “hạ nhiệt”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/4 các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn phải giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, tiến tới giá thấp hơn vào những quý cuối năm 2020. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, giá thịt lợn trên thị trường vẫn không giảm giá, trong khi đó giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều, nên phần lớn người tiêu dùng (NTD) chuyển hướng tiêu thụ thịt lợn ngoại nhập...

Từ ngày 1/4, các DN lớn như: CP, Dabaco, Japfa, Hòa Phát, Mavin... đã đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg, nhưng theo ghi nhận thị trường, đến nay giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ vẫn không đổi, giữ nguyên mức giá từ tháng 3 trước thời điểm các công ty chăn nuôi lớn cam kết với Chính phủ đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg.

Thịt lợn trong nước “treo” giá cao hơn thịt lợn ngoại nhập.

Điển hình, tại chợ Tân Mỹ (quận 7), giò rút xương  150.000 đồng/kg; nạc đùi, nạc dăm, nạc xay 160.000 đồng/kg; Ba rọi rút sườn 250.000 đồng/kg, cốt lết 140.000 đồng/kg, chân giò 130.000 đồng/kg... Tại một số siêu thị ở khu vực TP Hồ Chí Minh, giá có giảm nhưng không đáng kể, nhưng bù lại thường có khuyến mãi như quầy Vissan bán tại các siêu thị thường xuyên giảm giá 10-15% một số loại như chân giò, dựng, xương bộ...

Ngày 2/4, Công ty Vissan cũng đã có thông báo giảm giá lợn hơi mua vào 5.000 đồng/kg, từ 76.000 đồng/kg xuống còn 71.000 đồng/kg. Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, thịt lợn là nhóm hàng nằm trong chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Mặt hàng này được UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Tài chính kiểm soát chặt chẽ.

Tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op, khuyến mãi mặt hàng thịt lợn đến hết ngày 8/4, giảm nhiều nhất là chân bắp giò, dựng, xương bộ (giảm 25%), sườn non, ba rọi rút sườn (giảm 18%), thịt xay, thịt tẩm ướp (giảm 15%).

Sau thời gian này, Saigon Co.op tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp, thực hiện những chương trình khuyến mãi cho mặt hàng thịt lợn nhằm giúp khách hàng mua sắm tiết kiệm.

Viện lý do nguồn cung trong nước thiếu hụt nên giá thịt lợn từ đầu năm đến nay luôn neo ở mức cao và nhất quyết không chịu hạ nhiệt. Cả nước có 99% số xã có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày, 41 tỉnh, thành phố đã hết bệnh này, việc tái đàn cũng đã tăng  mạnh.

Từ tháng 1/2020, các địa phương đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn, với tổng đàn lợn vào đầu tháng 3/2020 đạt gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019), tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%.

Từ đầu năm 2020 đến nay Việt Nam đã nhập khẩu gần 40.000 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn các loại (tăng 312% so với năm 2019), trong đó thịt nhập khẩu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ vẫn là chủ yếu, lượng thịt nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm 2,62%.

Ghi nhận trên thị trường, sau khi nhập về Việt Nam, thịt lợn nhập khẩu đã được phân phối và bán lẻ với mức giá rẻ hơn thịt lợn trong nước rất nhiều.

Thế nhưng nghịch lý, dù thịt nhập khẩu đã tăng tới 312%, trong nước tốc độ tái đàn cũng đã tăng mạnh, nhưng giá thịt lợn trong nước vẫn không chịu hạ, neo ở mức cao trong thời gian dài.

Nếu như trước đây, NTD chỉ quen sử dụng thịt lợn nóng được giết mổ tại các lò giết mổ trong nước thì nay nhiều người cũng đã chuyển sang tìm mua thịt lợn đông lạnh nhập khẩu.

Không phải đến bây giờ NTD mới chuyển sang mua thịt lợn nhập khẩu thay thế cho thịt lợn trong nước. Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Công Thương đã yêu cầu các hệ thống phân phối bán lẻ đưa thịt đông lạnh nhập khẩu ra bán để thay thế thịt nóng.

Qua khảo sát đánh giá, nhiều đơn vị kinh doanh thịt đông lạnh như San Hà, Vissan, Saigon Co.op, Satra, Vinmart… cũng đã được NTD đón nhận nhiệt tình, và NTD cũng đã bắt đầu làm quen, tiếp nhận được sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Hiện trên thị trường rất đa dạng nguồn cung thịt lợn từ hàng nhập khẩu đông lạnh đến hàng trong nước. Trong khi đó, hàng nhập khẩu có lợi thế hơn sản phẩm trong nước là giá rẻ hơn rất nhiều và NTD cũng đã quen dần với việc sử dụng sản phẩm thịt ngoại nhập.

Vì vậy, nếu giá thịt lợn trong nước vẫn còn “treo” giá cao, thì nguy cơ thịt ngoại lấn át thịt nội, và nguồn cung thịt nội bị dư thừa hoàn toàn có thể xảy ra.

Thúy Hà
.
.
.