Vì sao khó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt?

Thứ Bảy, 29/08/2020, 08:17
Là chủ trương lớn của Chính phủ, được triển khai rộng rãi với những ưu điểm “ích nước lợi nhà”, thế nhưng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở nước ta vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng. Điều đáng nói là không chỉ với người dân, mà ngay cả chính các doanh nghiệp cũng đang “ngại” với hình thức thanh toán này.


Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng. Riêng hệ thống thanh toán của NHNN xử lý 17 tỷ USD giá trị giao dịch mỗi ngày. Trong bốn tháng đầu năm 2020, thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động đều tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019. 

Cụ thể, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng, triển khai rộng rãi… Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng thực tế, những còn số nói trên chỉ chiếm một phần quá nhỏ, vì tỷ lệ sử dụng tiền mặt ở Việt Nam còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt vừa ích nước, vừa lợi nhà. Ảnh: CTV

Điều đáng nói đó là không phải chỉ người dân, mà ngay cả chính những doanh nghiệp cũng không mặn mà với thanh toán điện tử vì chi phí cao. Tại diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy TTKDTM trong doanh nghiệp” diễn ra mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ở góc độ doanh nghiệp, việc TTKDTM ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Theo Chủ tịch VCCI, ở đây có cả vấn đề nhận thức và ý thức, trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, về môi trường pháp lý, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến TTKDTM ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.

Chia sẻ về lý do khiến TTKDTM vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng, ông Đinh Thanh Sơn -  Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho rằng, hiện có một số vấn đề khó khăn mà trước hết liên quan chi phí. Thanh toán điện tử thì mất phí cao, trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí. Bên cạnh đó, với trường hợp thanh toán bằng ví điện tử lại có các QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau mà không thể thanh toán chéo.

Do đó, ông Sơn kiến nghị dùng QR Code chung cho các mã thanh toán ở các ví điện tử khác nhau. Nên nghiên cứu hệ thống thanh toán tạm giữ để người mua và bán tin tưởng nhau hơn, tạo tin cậy cho mua sắm online, qua đó, giúp hoạt động mua sắm điện tử phát triển hơn.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), cho biết, 5 năm trở lại đây, TTKDTM ở Việt Nam phát triển khá nhanh, tuy nhiên hiện còn nhiều việc phải làm từ hạ tầng kỹ thuật, quản lý, hệ thống an toàn, quan trọng nhất vẫn là thói quen của người tiêu dùng. Ông Huy cho biết, về chi phí, do giao dịch sẽ có tin nhắn mà hiện nay giá cước khá cao, phía ngân hàng đã nhiều lần có văn bản đề xuất giảm phí viễn thông. Ngoài ra, ông Huy cho rằng cần xây dựng hệ sinh thái giữa các công ty tài chính và ngân hàng…

Góp ý để thúc đẩy TTKDTM, TS.Trịnh Thanh Huyền (Ngân hàng Vietinbank) đưa ra 4 giải pháp. Thứ nhất, phải thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán. Để làm được điều này, trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.

Thứ 2 là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong TTKDTM. Thực tiễn phát triển nhanh và mạnh các hoạt động TTKDTM như vậy đã đặt ra các yêu cầu đòi hỏi nhất định về cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động, dịch vụ thanh toán mới.

Thứ 3 là hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán. Xây dựng một hệ thống thanh toán hiện đại là mục tiêu dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam. Một hệ thống thanh toán được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn thì không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, làm cho dịch vụ thanh toán ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong mắt của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển.

“Ngoài ra, cần có những biện pháp trấn áp một cách có hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này. Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Trong đó, gian lận tài khoản thẻ thường xảy ra với các giao dịch không xuất trình thẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với gian lận thẻ giả”, TS Huyền góp ý.

5 lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ nhất, giảm được rất nhiều chi phí cho ngành tài chính như việc in ấn, phát hành và lưu thông tiền; chưa kể hạn chế được nạn in tiền giả…

Thứ hai, việc thanh toán phi tiền mặt còn giúp chống lại việc thất thu thuế cho Nhà nước từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch; giảm rủi ro rửa tiền, nói cách khác là kiểm soát và phát hiện các thanh toán phạm pháp.

Thứ ba, TTKDTM giảm tỷ lệ chủ thể thanh toán trữ tiền bên mình. Điều này có vai trò quan trọng trong việc huy động tích tụ các nguồn vốn tạm thời chưa sử dụng đến của khách hàng vào cơ quan tín dụng, tạo nguồn cho tài khoản để thực hiện thanh toán.

Thứ tư, TTKDTM còn mang lại lợi ích cho người dân như tiết kiệm thời gian, công sức của bên trả tiền và bên thu tiền, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán.

Thứ năm, TTKDTM thông qua ứng dụng hoặc thẻ ngân hàng cũng là cách để đảm bảo quá trình giao dịch an toàn hơn, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực dễ dàng và linh hoạt.
Hà An
.
.
.