Vàng ngang bằng giá thế giới, có nên “xuống tiền”?

Thứ Ba, 01/03/2016, 10:13
Tăng miệt mài và neo ở mức cao, vàng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường tài chính. Các chuyên gia từng “quay lưng” với kim loại quý đã phải xem xét lại quan điểm của mình, và đưa mọi nhận định trở lại với vàng. Vậy, lúc này có nên đầu tư vào món hàng lấp lánh này?

Từ đầu năm đến nay, vàng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong rổ các hàng hóa cơ bản. Đây cũng là kênh đầu tư truyền thống có “sóng” lớn nhất trên thị trường, mang lại nhiều may mắn nhất cho những người đang tìm kiếm cơ hội bắt đồng tiền sinh lãi.

Theo giới phân tích, sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán và tiền tệ toàn cầu đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đối với vàng như một tài sản an toàn. Các nhà đầu cơ đã nâng vị thế mua ròng vàng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. SPDR Gold Shares – quỹ giao dịch vàng hậu thuẫn lớn nhất toàn cầu, đã thu hút 4,5 tỷ USD dòng vốn mới trong năm 2016, cao nhất trong các quỹ ETF tại Mỹ, dẫn số liệu của hãng Bloomberg. Điều này là hoàn toàn trái ngược với một vài tháng trước đây, khi nhà đầu tư bán ra ồ ạt kim loại quý, đẩy vàng về mức giá thấp nhất 5 năm trong tháng 12. Thống kê cho thấy trong 2 tháng đầu năm, vàng đã tăng 15%, sau khi đã giảm liên tục 4 năm trước.

Như vậy, so với mức giảm 7,6% của thị trường chứng khoán toàn cầu và mức giảm 16% của giá dầu, thì vàng đang được coi là một “siêu anh hùng” lội ngược dòng, đồng thời khiến cho giới chuyên gia cho rằng năm 2016 sẽ là “năm của vàng”. Nhiều nhà phân tích đã “đảo chiều” nhận định của mình, khi cho rằng kim loại quý sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2016. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng giá vàng có thể sẽ đạt tới mức 1.400 USD/oz. Hiện, giá vàng mức cao nhất đã chạm ngưỡng 1.260 USD/oz, và đang ở mức trên 1.230 USD/oz.

Sự bấp bênh về giá khiến giới đầu tư còn dè dặt với vàng.

Với thị trường trong nước, dù giá vàng thế giới tăng cao, nhưng vàng miếng SJC cũng chỉ tăng nhẹ. Hiện tại, giá vàng SJC ở mức 33,27-33,57 triệu đồng/lượng (mua-bán). Chênh lệch vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp đáng kể, ở ngưỡng 520 nghìn đồng mỗi lượng ngày 29-2, tính theo tỷ giá của Vietcombank, chưa kể thuế, phí. Đây là mức chênh lệch giá cực kỳ lý tưởng cho những người muốn đầu tư vàng.

Đáng chú ý, mức chênh lệch gần như ngang bằng này đã được duy trì suốt một tuần qua. Có thời điểm, giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá vàng thế giới 200 nghìn đồng mỗi lượng, bằng 1/30 mức chênh lệch vào thời điểm cao nhất ở mức xấp xỉ 6 triệu đồng/lượng. Đây cũng là khoảng cách chênh nhỏ nhất kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước xiết lại loạt động kinh doanh vàng, lấy SJC làm thương hiệu vàng quốc gia.

Theo các chuyên gia, sở dĩ mức chênh lệch được thu hẹp một cách “ngoạn mục” là do vàng trong nước tăng chậm hơn giá vàng thế giới, mà nguyên nhân chủ yếu ở thời điểm này là do giới đầu cơ thờ ơ với vàng bởi sự bấp bênh về giá. Mặt khác, đầu năm cũng là thời điểm các nhà đầu tư quan tâm nhiều tới việc du xuân và đi lễ cầu may là chủ yếu. Điều này thể hiện rõ khi giá vàng thế giới “rung lắc” thì nhu cầu trong nước ngày một chìm dần. Các chuyên gia đến từ Doji cho rằng sự biến động này chính là cơ hội tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Đây là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là trong thời điểm giá hai thị trường ngang bằng - điều này thực sự giúp cho những người “ôm” vàng bớt được một rủi ro chênh lệch giá cực lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý là nếu như rủi ro chênh lệch được loại bỏ, thì rủi ro về mức giá lại tăng gấp đôi, vì với mức giá đứng cao như hiện tại, vàng có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào, khi mà mối lo ngại về việc Fed sẽ tăng lãi suất vẫn hiện hữu, kéo theo hàng loạt những thông tin bất lợi khác có khả năng tác động lên thị trường kim loại quý.

“Lúc này giá vàng thế giới đang biến động do những nguyên nhân: chính trị, quân sự, giá dầu lao dốc… Vì thế, nhiều người tìm cách trú ẩn vào vàng. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo trong thời gian tới, bởi một khi giá vàng quốc tế biến động thì sẽ kéo theo sự biến động đối với thị trường vàng trong nước, dẫn tới rủi ro lớn cho các nhà đầu tư”- chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Thực tế, thị trường vàng miếng giao dịch tương đối phẳng lặng, dù xuất hiện một số nhà đầu tư với xu hướng mua vào, nhưng sự tham gia thị trường mới chỉ dừng lại ở mức dè dặt nghe ngóng. Trước những biến động giảm của giá vàng, đa số các nhà đầu tư đều chờ ngưỡng an toàn hơn để đầu tư đón đầu. Song, lựa chọn đầu tư theo đám đông chưa chắc đã là lựa chọn đúng đắn, bởi cơ hội đầu tư vàng lúc này không không phải là không có, nếu như không muốn nói là khá lớn.

Các chuyên gia trên thế giới cho rằng với những diễn biến tích cực gần đây, có lẽ những người “mộ vàng” cuối cùng cũng sẽ “ôm” vàng, khi mà thị trường vàng đang hướng tới tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 1-2012 với bước tăng 9%, sau khi phải chịu đựng khoản thua lỗ nhiều năm. Theo biểu đồ nghiên cứu của chuyên gia Ari Wald tại Oppenheimer, diễn biến giá gần đây của vàng rất giống với những gì đã thể hiện trong năm 1999- thời điểm mà vàng đã đảo ngược xu hướng giảm nhiều năm và bắt đầu hình thành một bệ đỡ mới.

Bởi vậy, trên thực tế, nếu lịch sử lặp đi lặp lại chính nó, sự suy giảm dài hạn của vàng sẽ thiết lập cho một đáy dài hạn. Những bất ổn gần đây đã chứng kiến một số nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn nơi thị trường vàng. Và khi giới đầu tư trở lại với vàng, thì kim loại quý đã nóng sẽ lại càng nóng hơn bao giờ hết.

Lệ Thúy
.
.
.