Từ vụ “cà phê pin”: Bình Phước từng phát hiện nhiều vụ tiêu trộn tạp chất
- Vụ “cà phê…pin”: Đủ chứng cứ để khởi tố vụ án
- Thủ tướng yêu cầu sớm điều tra, khởi tố vụ “cà phê…Pin”
- Bất an “cà phê pin” và hiến kế nhận biết cà phê thật
Trộn lõi pin vào tiêu lép (?)
Ngày 23- 4, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam các cá nhân liên quan trong vụ “cà phê pin”. Đặc biệt, lời khai ban đầu của chủ cơ sở thu mua phế liệu cà phê Nguyễn Thị Thanh Loan, cho rằng, sở dĩ trộn bột lõi pin với phế phẩm vỏ cà phê, cùng hạt tiêu kém chất lượng và bột đá, nhằm cho ra “hỗn hợp tạp chất” để trộn với sản phẩm hồ tiêu, rồi bán ra thị trường kiếm lời. Bà Loan đã bán 3 tấn “hỗn hợp tạp chất” trộn lõi pin trên cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước.
Công an tỉnh Bình Phước khám phá nhiều tụ điểm trộn tạp chất biến tiêu lép thành tiêu chất lượng cao |
Bà Phạm Thị Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Phước, cho biết: Từ vụ việc trên, đã tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh mặt hàng cà phê bột, cà phê rang xay, một số cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh tiêu, cà phê trên địa bàn.
Biến tiêu lép thành…tiêu chất lượng cao
Cách đây khoảng 1 năm, Công an huyện Bù Gia Mập từng phát hiện vụ “phù phép” tiêu lép thành tiêu chắc, đẹp bằng hoá chất. Cụ thể, tháng 3-2017, Công an huyện Bù Gia Mập bất ngờ ập vào kiểm tra theo thủ tục hành chính tại hộ kinh doanh thu mua nông sản thuộc thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập do bà D.T.T (35 tuổi) làm chủ. Lực lượng Công an đã tạm giữ 500kg tinh bột màu vàng, 15kg tinh bột màu trắng và 1 hộp tinh bột màu đỏ sẫm khoảng 3g. Đồng thời, tạm giữ 676kg hạt tiêu đã trộn tạp chất và 446kg hạt tiêu khô để tiến hành xử lý.
Khai nhận với cơ quan điều tra, bà T. cho biết: Đã dùng tinh bột bắp và tinh bột gạo nếp nấu thành hợp chất dẻo. Sau đó, bỏ thêm tinh bột màu đỏ sẫm để trộn chung với hạt tiêu lép nhằm tạo ra sản phẩm mới là hạt tiêu chắc, có trọng lượng nặng và màu sắc đen hơn. Mỗi ngày, bà T. cho nhân công pha trộn trên 3 tạ hạt tiêu lép với tạp chất để tạo ra trên 3,6 tạ tiêu chắc và bán với giá thành cao hơn. Mỗi tạ tiêu lép sau khi “ra lò” sẽ kiếm lời thêm khoảng 900.000đ.
“Cách pha chế thì chỉ pha tinh bột bắp với tinh bột gạo nếp và bỏ thêm một chút chất tinh bột màu đỏ sẫm mua ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là phẩm màu thực phẩm thường dùng trong pha chế nước và ăn uống. Những sản phẩm hạt tiêu do gia đình làm ra chủ yếu bán cho các thương lái, rồi đem tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn”, chủ cơ sở khai nhận.
Cũng trong tháng 3-2017, Công an huyện Phú Riềng tiếp tục phát hiện điểm pha trộn tạp chất vào hạt tiêu với thủ đoạn tương tự để thu lợi bất chính tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng do L.V.L. (ngụ TP Hồ Chí Minh) làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng Công an đã thu giữ 16 bao tinh bột màu vàng trọng lượng 315 kg, 1 bịch tinh bột màu đỏ sẫm 1,9 kg, hơn 10 tạ hạt tiêu đã trộn tạp chất và gần 6 tạ hạt tiêu khô làm nguyên liệu để pha trộn.
Theo L, đối tượng đã thu mua tiêu lép rồi đem trộn với tạp chất (không có nhãn mác) để nấu nồi lớn tạo thành một loại tạp chất dẻo, màu nâu sẫm và có mùi hôi. Sau đó, múc tạp chất này ra trộn với hạt tiêu lép, đảo đều rồi đem phơi để “biến” thành tiêu chất lượng. Mỗi ngày, L. cho pha trộn trên 200kg hạt tiêu lép để có được 250kg hạt tiêu có chất lượng cao hơn. Sau khi bán ra thị trường thì thu được số tiền lãi bất chính trên 2,5 triệu đồng. Sau đó, bán cho các thương lái, đem tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn.
Khi đó, lực lượng Công an cũng phát hiện một căn phòng chứa nguyên liệu gồm nhiều bao có chứa chất tinh bột màu vàng. Điều đáng nói, cơ sở thu mua hạt tiêu này không có giấy phép kinh doanh và chủ cơ sở pha trộn tạp chất này có mối quan hệ họ hàng với cơ sở pha trộn tạp chất vào hạt tiêu tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập.