Thuế chống bán phá giá không tạo độc quyền thị trường thép không gỉ

Thứ Năm, 05/09/2019, 08:21
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương nhận được thông tin phản ánh về việc thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá, chất lượng, nguyên nhân là do Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ năm 2014.

Để làm rõ các nội dung phản ánh trên, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã có phản hồi về vấn đề này.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, chống bán phá giá là một biện pháp phòng vệ thương mại được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên áp dụng trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội, cán phẳng dạng cuộn/tấm. Trong đó, một số doanh nghiệp sản xuất chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ mà không bán ra thị trường, hoặc chỉ bán với số lượng rất ít. Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO VST (Posco) chiếm dưới 50% tổng sản lượng của ngành (kể cả phục vụ tiêu dùng nội bộ). Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000-500.000 tấn/năm bởi có thêm một số nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (trên 200.000 tấn/năm), Việt Quang...

Về tình hình nhập khẩu, sản xuất và bán hàng thép không gỉ cán nguội kể từ khi có biện pháp chống bán phá giá, hiện nay thuế này chỉ áp dụng với thép inox của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Các sản phẩm thép inox từ các nước khác vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam mà không bị áp thuế chống bán phá giá. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đến nay, thép inox vẫn tiếp tục được nhập khẩu từ 4 nước/vùng lãnh thổ bị áp thuế cũng như từ các nước khác. 

Tổng lượng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ tất cả các nguồn sau khi có biện pháp chống bán phá giá vẫn tăng so với giai đoạn trước khi áp thuế bán phá giá như: Thép inox của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Trong giai đoạn điều tra gần nhất (từ 1-7-2017 đến 30-6-2018), nhập khẩu thép inox vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước. Trong đó, nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế chống bán phá giá chiếm 68,5% tổng nhập khẩu, sản xuất trong nước chỉ chiếm 42,8% tiêu thụ trong nước. 

Cùng với việc sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chiếm dưới 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó độc quyền về nhóm sản phẩm này. Riêng đối với sản phẩm thép không gỉ khổ rộng, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu loại sản phẩm này với tỉ lệ khoảng 25% tổng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội vào Việt Nam năm 2018.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ tháng 10-2014, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng. Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển.

Trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp, Bộ Công Thương đã cân nhắc, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng nhu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Cho tới nay, việc điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Bộ này đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định của WTO. 

Lưu Hiệp
.
.
.