Thực phẩm “home made” lên ngôi’

Thứ Hai, 06/01/2020, 09:22
Vài năm trở lại đây, thị trường thực phẩm “home made” (tự làm) trở nên sôi động và được người tiêu dùng yêu thích, từ bánh cookie (bánh quy bơ), kẹo hạnh phúc, kẹo chuối đến các loại mứt tết như mứt dừa, mứt táo, mứt cà chua, giò chả...

Làm và bán các loại thực phẩm theo công nghệ thủ công không chỉ là thú vui mà còn mang lại nguồn thu nhập thêm đáng kể cho các chị em văn phòng, người nội trợ.

Các loại bánh mứt kẹo, thực phẩm “home made” được bán sôi nổi chủ yếu trên các trang mạng xã hội và chợ online. Chị Nguyễn Mai Thanh (ngõ 339 Cầu Giấy) đã có kinh nghiệm nhiều năm làm các loại giò, chả và nem chua bán trong dịp Tết Nguyên đán. Chị làm từ giò lợn, giò bò, giò gà đến cả giò tai nấm hương.

Theo chị Thanh, khách hàng chủ yếu là người quen, bạn bè và chính họ lại giới thiệu khách cho chị. “Năm đầu bán hàng, tôi cũng chỉ bán được ít thôi, khoảng 20-30kg giò. Ăn ngon, mọi người giới thiệu và ngày càng đông khách”. 

Người tiêu dùng yêu thích sản phẩm “home made” vì không có chất bảo quản và phụ gia.

Dịp Tết này, cả căn hộ chung cư của chị ngập tràn các loại giò. Giò “tấn công” cả phòng khách vì thiếu chỗ để. “Mình tự làm, tự chọn thịt và xay, hấp luộc giò. Vì sạch hoàn toàn không có bất cứ chất phụ gia nào nên các gia đình có con nhỏ rất thích. Họ không muốn mua giò ở ngoài vì sợ có hàn the, có chất phụ gia”, chị Thanh chia sẻ. Đơn đặt hàng của chị đến giờ đã hơn 100kg giò, và còn tiếp tục đến sát Tết.

Trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm “mứt dừa”, “bánh cookie”... là người mua có thể lạc vào cả ngàn trang cá nhân bán hàng của các chị em tự làm bán trong dịp Tết này. Mứt dừa được tạo màu bằng các nguyên liệu tự nhiên, không phẩm màu, như: hoa đậu biếc, hoa dành dành, lá dứa, lá cẩm với màu sắc đẹp mắt, an toàn cho sức khoẻ rất được ưa chuộng. 

Chị Chinh ở phố Thiên Hiền (quận Nam Từ Liêm) có “thâm niên” 5 năm làm mứt dừa. Mỗi vụ Tết, chị phải thuê thêm 3-4 người phụ việc vì lượng khách đặt hàng nhiều. “Khách các tỉnh cũng tìm mua, họ chuyển khoản rồi tôi sẽ gửi bưu điện cho họ. Năm ngoái còn quá tải, đến ngày 20-12 âm lịch tôi đã không nhận khách nữa rồi. Làm đến tận sáng 30 mới kịp trả hết các khách đã đặt”, chị Chinh cho biết. 

Theo chị Chinh, để làm ra loại mứt dừa non đúng chuẩn, chị phải đặt cùi dừa tươi từ Bến Tre, ướp đá và chuyển bằng dịch vụ máy bay ra. Sau đó thái và ướp đường, sên lửa vài tiếng trên bếp mới được một mẻ mứt dừa. “Làm rất cực, nếu không có tính kiên nhẫn không làm được”, chị Chinh kể. 

Mỗi cân mứt dừa được bán với giá 300.000 đồng nhưng chị cứ làm ra được mẻ nào là khách mua hết mẻ đó. Ưu điểm của loại mứt dừa này là mềm, ngọt vừa phải nhưng chính vì không có chất bảo quản nên chỉ để được 20 ngày. Chị Chinh cũng cho biết thêm: “Khách bây giờ rất sợ các loại mứt hay bánh kẹo để vài năm không mốc, không hỏng. Chính vì thế họ thích tìm mua các sản phẩm được làm thủ công”.

Ngay cả các loại bánh kẹo, từ bánh ngói hạnh nhân, bánh lưỡi mèo, bánh cookie, bánh dứa giống loại bánh của Đài Loan cũng được các bà nội trợ làm khéo léo, ngon miệng, đẹp mắt, không thua kém các hãng bánh kẹo có tiếng. 

Đặc biệt là bánh dứa, một loại bánh đặc sản của Đài Loan khi “du nhập” vào Việt Nam được bán với giá rất đắt 20.000 – 30.000 đồng/cái. Nhưng chỉ một năm sau, trên thị trường bánh “home made” đã xuất hiện tràn lan bánh dứa được làm tại Việt Nam bởi các bà nội trợ đảm đang. 

Không những thế, từ vị bánh dứa nguyên bản, bánh dứa tại Việt Nam đã được thêm nhiều vị như bánh dứa quế, bánh dứa xoài, bánh dứa gừng... rất đa dạng. Là khách hàng trung thành của bánh kẹo “home made”, chị Hoàng Thiên Hương (phố Đội Cấn) cho biết, trên bàn trà ngày Tết của gia đình chị không có bất cứ một sản phẩm công nghiệp nào. Tất cả đều được chị tìm mua bánh kẹo “home made”. Từ mứt, đến kẹo chuối, kẹo mãng cầu, hoa quả sấy cũng đều là hàng thủ công. 

“Gia đình tôi thích lựa chọn những món đồ ăn “home made” bởi khi bày lên, cảm giác truyền thống và gợi nhớ về Tết ngày xưa. Hơn nữa, bánh kẹo này không có chất bảo quản, chất phụ gia nên đảm bảo an toàn cho sức khoẻ”. 

Không chỉ bánh mứt kẹo, các thực phẩm Tết như thịt bò khô, thịt lợn khô, gà khô lá chanh, lợn khô cháy tỏi... cũng là những sản phẩm “home made” được tìm kiếm dù giá các mặt hàng này đắt gấp đôi hàng sản xuất tại các cơ sở chuyên nghiệp. Giá thịt bò khô “home made” được bán từ 900.000 đồng – 1 triệu đồng/kg. Gà xé khô lá chanh từ 300.000 – 350.000 đồng/kg.

Thị trường bánh mứt kẹo “home made” ngày càng phát triển cho thấy, người tiêu dùng ngày một quan tâm đến vấn đề sức khoẻ và an toàn thực phẩm cũng như những món ăn không chứa chất hoá học. Các sản phẩm này ngày càng cạnh tranh với các xưởng sản xuất nhỏ lẻ, không chú trọng vệ sinh. Và sự phát triển của thực phẩm “home made” cũng là sự nhắc nhở với những xưởng sản xuất thực phẩm công nghiệp, thay vì chú trọng lợi nhuận hãy quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Chi Linh
.
.
.