Thừa Thiên - Huế kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai

Thứ Bảy, 08/12/2018, 08:30
Với mục đích phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện rà soát hàng chục dự án đầu tư trên địa bàn, qua đó thu hồi nhiều dự án chậm triển khai. Đặc biệt, đối với dự án nhà máy nhiệt điện tại huyện Phong Điền, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thận trọng xem xét có nên cho chủ đầu tư triển khai dự án hay không…

Năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công ty Đại chúng Banpu, Thái Lan (gọi tắt Công ty Banpu) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng nhà máy nhiệt điện, công suất dự kiến khoảng 1.200 MW, tại huyện Phong Điền. Nếu khả thi về mặt kinh tế, Công ty Banpu sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án, với công suất lên 2.000 MW...

Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh quan điểm “phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh”. Do đó, trong phần quy hoạch các ngành công nghiệp, sẽ không đầu tư nhiệt điện từ than đá. Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011-2020 có xét đến 2030 cũng không có quy hoạch nhiệt điện tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tỉnh chỉ mới có chủ trương cho Công ty Banpu nghiên cứu dự án và nhà đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu để trình Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng bổ sung dự án vào quy hoạch điện quốc gia.

“Quá trình nghiên cứu dự án đã và đang được tiến hành hết sức cẩn trọng, tuân thủ các quy định về quy hoạch điện lực, quản lý môi trường, đất đai... bởi mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên - Huế là phát triển xanh và bền vững”, ông Định nói.

Dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đi vào hoạt động, góp phần cung cấp nguồn điện năng, bảo vệ môi trường.

Được biết, nhằm rà soát thực hiện Nghị quyết 08/NQ-HĐND về tình hình sử dụng đất tại các dự án đầu tư trên địa bàn, trước kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa 7 diễn ra vào đầu tháng 12-2018, đoàn giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức kiểm tra thực địa với các nhà đầu tư và sẽ có biện pháp thu hồi các dự án thi công “rùa bò”, chậm triển khai.

Điển hình, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô do Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú - Lăng Cô làm chủ đầu tư thực hiện tại địa bàn xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Dù được cấp phép đầu tư năm 2008, với diện tích thuê đất hàng trăm ha, vốn đăng ký lên đến 5.230 tỷ đồng, nhưng đến nay, sau hơn 10 năm khởi công, dự án vẫn nằm trên giấy. Để đối phó với việc thu hồi đất, chủ đầu tư đã 2 lần tiến hành kiểm đếm đất đai đối với các hộ dân trong vùng dự án nhưng chưa thực hiện đền bù.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, có 97 hộ dân ở thôn Phú Hải của xã nằm trong diện phải di dời để nhường đất cho dự án. Nhiều năm trước, chủ đầu tư đã kiểm kê tài sản và phê duyệt giá trị bồi thường nhưng đến nay doanh nghiệp không chi trả tiền, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn khi không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa và chia tách đất đai.

Ngoài ra, ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có hàng loạt dự án bỏ hoang, xây dựng theo kiểu lấy đất “xí phần”, trong đó tập trung chủ yếu ở TP Huế và các huyện Phú Lộc, Phong Điền, thị xã Hương Thủy. Điển hình như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Lập An, khu du lịch của Công ty CP Gia Minh - Conic, khu du lịch Bến thuyền thể thao dưới nước của Công ty CP du lịch Đảo Ngọc…

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên danh sách 24 dự án vào diện rà soát, xem xét thu hồi và đến nay đã thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đối với 16 dự án có tổng diện tích đất 223ha, đồng thời chấm dứt hoạt động đối với 3 dự án khác nằm trong 29 dự án thuộc diện giám sát đặc biệt. Ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, thời gian qua, tỉnh đã giao đất cho hàng trăm chủ đầu tư dự án lớn, nhỏ khác nhau để đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, các công trình công cộng… nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Theo đó, có nhiều nhà đầu tư đã triển khai nghiêm túc, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực đô thị và nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số dự án triển khai cầm chừng, vi phạm tiến độ theo cam kết.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư, còn có sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh, thẩm định quy hoạch và các thủ tục hành chính khác. Vì thế tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai và sẽ xử lý các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật...

Anh Khoa
.
.
.