Thủ phủ ngành điều Việt Nam đón nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý hạt điều
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước là một dạng tài sản vô hình để phát triển thủ phủ điều Bình Phước. Hy vọng từ nay người nông dân trồng điều ở Bình Phước sẽ có cuộc sống ấm no hơn.
Ông Lâm cũng đề nghị tỉnh Bình Phước cần tập trung củng cố và nâng cao hoạt động của tổ chức Hội điều Bình Phước. Qua đó, chủ động sáng tạo hơn trong quản lý hoạt động ngành điều; tổ chức phát huy chuỗi các giá trị trong liên kết sản xuất, tích cực hỗ trợ nguồn lực để ngành điều vượt qua khó khăn, giữ vững thương hiệu điều vàng Bình Phước gắn liền với chỉ dẫn địa lý.
Ông Lê Ngọc Lâm – phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và công nghệ trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” . |
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước, chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước gồm: vùng nguyên liệu sản xuất và sản phẩm hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân, hạt điều rang muối.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt điều Bình Phước có được là do điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý phù hợp với sự phát triển của cây điều và kinh nghiệm đã được tích lỹ qua quá trình canh tác, chế biến của người dân bản địa.
Chỉ dẫn địa lý sẽ kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, quảng bá, hình ảnh. Đặc biệt, những người sản xuất kinh doanh, nhất là bà con nông dân trồng điều sẽ hưởng lợi xứng đáng với công sức lao động làm ra trên mảnh đất sở canh tác. Do đó chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế địa phương và giá trị hạt điều sẽ ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng như sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm hạt điều Bình Phước. |
Bà Huỳnh Thị Hằng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết Bình Phước được coi là thủ phủ ngành điều Việt Nam, với diện tích điều hơn 174.000ha,năng suất 1,1 tấn/ha, cho sản lượng 191.419,8 tấn, chiếm gần 33% trên tổng diện tích cây lâu năm và chiếm 30,03% so với tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Ngành điều đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 ngàn lao động tại 226 doanh nghiệp, h ơn 400 cơ sở chế biến điều và hàng ngàn lao động trực tiếp trong sản xuất và thu mua tại vườn, góp phần ổn định cuộc sống cho hơn 71.600 hộ trồng điều của tỉnh.
Qua 3 năm triển khai dự án, Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” ở Bình Phước sử dụng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan phát triển Pháp và Cơ quan kinh tế - Đại sứ quán Pháp tài trợ. Đây là điều kiện thuận lợi để điều Bình Phước mở ra triển vọng mới nhằm nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, khẳng định chất lượng và thương hiệu hạt điều trên thị trường thế giới.
Nằm trong khuôn khổ lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, cùng ngày đã diễn ra hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy, nâng cao hình ảnh của hạt điều mang chỉ dẫn địa lý, tạo cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị phân phối trong và ngoài nước.
Tại hội nghị ngoài việc giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp qua từng gian hàng trưng bày, các doanh nghiệp của tỉnh Bình Phước cũng đã tổ chức khu vực tham quan và thử nếm sản phẩm hạt điều mang hương vị Bình Phước.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh Bình phước và các doanh nghiệp, đơn vị đối tác phân phối.