Thông đường xuất nông sản sang Trung Quốc bằng tàu container lạnh

Thứ Sáu, 03/04/2020, 09:38
Thông tin từ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, mới đây ngành Đường sắt đã chính thức khai thác tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển thanh long chạy thẳng từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).


Điều đáng chú ý, chỉ trong hai ngày thí điểm chạy tàu vào cuối tháng 2/2020, đã xuất khẩu được 27 container thanh long quả tươi, tương đương 460 tấn từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng đường sắt. Tính từ đó đến nay, mỗi tuần đường sắt có 2 đôi tàu được xuất đi. Các chuyến tàu container lạnh chở thanh long tiếp theo được làm thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận tiện. 

Tàu container lạnh liên vận quốc tế.

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, việc vận chuyển container lạnh bằng đường sắt, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba có nhiều thuận lợi. Như việc giảm được nhiều thời gian, chi phí so với vận chuyển bằng đường bộ. 

Cụ thể, tàu chuyên container lạnh chở hàng nông sản tươi sống từ phía Nam ra ga Đông Anh, Yên Viên mất khoảng 64 giờ. Sau đó chạy đến ga Đồng Đăng mất khoảng 6 giờ nữa. Cộng với thời gian chờ làm các tác nghiệp kĩ thuật dọc đường, thủ tục, đến khi thông quan nhiều nhất cũng chỉ mất khoảng 5 ngày. 

Một đoàn tàu có thể chở từ 20-25 container lạnh, trong khi đó, nếu đi bằng đường bộ sẽ cần đến 20 chiếc ôtô, cước đường sắt thấp hơn so với cước đường bộ khoảng 20%. Thời gian vận chuyển bằng ôtô từ phía Nam lên đến cửa khẩu Đồng Đăng chỉ mất hơn 2 ngày, nhưng nếu phải chờ đợi thông quan sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa, kéo theo đó sẽ là các chi phí phụ trội.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện dịch vụ vận chuyển, lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) thông tin thêm: Ưu điểm của tàu container lạnh liên vận quốc tế là sử dụng loại container lạnh tự phát do đường sắt Trung Quốc cung cấp, khác với container lạnh thông thường. Với container lạnh thông thường, nếu vận chuyển bằng ôtô phải cắm điện từ ắc quy hoặc phải cắm điện lưới, còn vận chuyển bằng tàu hỏa thì phải có máy phát điện. 

Quá trình vận chuyển, lúc nào cũng phải cắm điện, kể cả khi hạ xuống bãi hàng để duy trì nhiệt độ cho container, đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, với loại container lạnh tự phát, trên mỗi container có máy phát điện, có thùng dầu diesel và tự cấp phát điện trong khoảng 20 ngày. Vì thế, có thể vận chuyển liên tục mà container không cần phải cắm điện. 

Đặc biệt, container này còn có thiết bị GPS hiện đại, ở nhà vẫn có thể theo dõi qua mạng về hành trình, vị trí của container, cả lượng dầu còn bao nhiêu và nhiệt độ bên trong như thế nào để tự điều chỉnh tăng, giảm…  

Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận, bên cạnh sự thuận lợi thì dịch bệnh cũng là một trong những khó khăn đơn vị đang phải đối mặt do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giảm sản lượng vận chuyển chung trong đó có vận chuyển bằng đường sắt. Song nếu khách hàng có yêu cầu thì ngành đường sắt vẫn đáp ứng được. Việc xuất khẩu nông sản qua con đường này sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả nguy cơ dịch bệnh COVID-19, do không phải tổ chức cách ly các tài xế (xe ôtô), chủ hàng khi vận chuyển hàng hóa theo đường bộ sang Trung Quốc quay về.

Nhìn nhận theo hướng tích cực, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho hay, việc chạy tàu container lạnh liên vận quốc tế sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu chính ngạch hàng nông sản Việt Nam bằng đường sắt. 

“Chúng tôi liên tục làm việc với Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lạng Sơn để thúc đẩy sản phẩm vận tải này, góp phần giải tỏa ách tắc tại cửa khẩu. Chỉ riêng mặt hàng thanh long đang vào vụ thu hoạch, dự kiến đến hết tháng 4 sẽ được khoảng 300.000 tấn. Nếu không xuất khẩu kịp thời, ách tắc tại cửa khẩu sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp vì mặt hàng này chỉ có thời hạn sử dụng ngắn, lại đòi hỏi cao về điều kiện bảo quản”, vị này nhấn mạnh. 

Có thể nói,việc xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời minh bạch được các nguồn thu, trong đó có các khoản thuế, phí so với xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, vận chuyển hàng qua biên giới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì việc vận chuyển bằng tàu container lạnh được coi là hiệu quả. 

Bởi lẽ, tại các cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc khu vực Lạng Sơn, có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng phân định rõ loại trái cây nào được xuất qua cửa khẩu nào. Nhưng nếu đi bằng đường sắt thì được phép xuất cả 9 loại, tuy nhiên do mỗi loại hàng trái cây lại có khu vực, phương pháp kiểm dịch, khử trùng khác nhau nên trước mắt chỉ cho nhập thanh long.

Đặng Nhật
.
.
.