Thúc đẩy sản xuất nông sản trong nạn dịch virus Corona

Thứ Ba, 04/02/2020, 09:01
Chiều 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh virus Corona. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch bệnh này khiến ngành nông nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm Canh Tý 2020 nhuận hai tháng 4, miền Bắc đang thời kỳ mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho dịch virus

Corona phát triển. “Dịch virus Corona sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Ngoài đe dọa đến tính mạng con người, dịch virus Corona còn đang làm tổn thương nghiêm trọng đến nền kinh tế của các ngành, trong đó, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ tổn thương rất nặng nề”, ông Cường đánh giá.

Thanh long đang có nguy cơ “vỡ trận” do Trung Quốc tạm ngừng mua.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản Việt Nam. Do dịch virus Corona nên phía Trung Quốc đã hạn chế giao dịch nông sản. Trong nhóm rau quả thì thanh long là ngành hàng chịu tổn thương nhất. Ngoài nông sản, dịch virus Corona còn làm tổn thương trực tiếp đến đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc, do hạn chế đi lại giữa 2 bên, nên các doanh nghiệp chưa thể nối lại đàm phán.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2 đến 28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn...

Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch Viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía (đến tối ngày 2/2, theo cập nhật có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe ùn tại Lạng Sơn). 

Đối với xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, năm 2019 vẫn có mức độ tăng trưởng khá (tăng 22% so với 2018), đặc biệt là tháng 12/2019 đã tăng 36,2% so với tháng 11/2019.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất phương án, Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng cho hàng hóa nông lâm thủy sản; phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, nhất là thúc đẩy tiêu thụ nội địa theo các chuỗi siêu thị, bán lẻ.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, để giải quyết câu chuyện xuất nhập khẩu nông sản, Bộ Công Thương sẽ vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các thương vụ tìm các thị trường mới. Khuyến nghị bà con nông dân điều chỉnh lại sản xuất, tăng cường tiêu thụ nội địa. Đối với những lô hàng nông sản không xuất khẩu được chính ngạch sẽ hướng dẫn để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; khi chợ biên giới Trung Quốc mở cửa, sẽ ưu tiên xuất khẩu những lô hàng không phải xuất khẩu chính ngạch để lưu thoát hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tăng cường các đoàn kiểm tra về chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng.

N.Yến
.
.
.