Thị trường bán lẻ phải tận dụng triệt để lợi thế “sân nhà”
- Thị trường bán lẻ trong nước bị “thôn tính”: Không còn là nguy cơ!
- Năm 2023 mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là quá chậm
- Nỗi lo doanh nghiệp ngoại lấn lướt thị trường bán lẻ
Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ Việt Nam chiếm tới 14% GDP cả nước. Bán lẻ cũng thuộc 1 trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) bùng nổ trong vài năm trở lại đây.
Lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp nội chính là yếu tố “sân nhà”. |
Điển hình như vụ mua bán – sáp nhập Metro gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro và Big C Việt Nam với 32 siêu thị, trị giá 1,14 tỷ USD… Mặc dù có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển, song thời đại công nghệ 4.0, cùng với thay đổi trong xu hướng tiêu dùng… đặt ra nhiều thách thức cho các nhà bán lẻ Việt Nam.
Thực tế cho thấy, xu hướng lớn nhất trong ngành công nghiệp bán lẻ hiện nay là sự chuyển mình từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại. Hệ thống giao dịch và thanh toán qua ngân hàng, thẻ tín dụng thuận lợi và nhanh chóng. “Vị trí” bán lẻ đã được định nghĩa lại và dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyển từ đơn giản là mua hàng sang trải nghiệm mua hàng.
Để đón đầu xu thế này, hầu hết các nhà bán lẻ Việt Nam đều đã có sự chuẩn bị về nguồn lực và chiến lược phù hợp với quy mô và định hướng phát triển để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa, sẵn sàng cho thách thức và đón đầu những cơ hội.
Lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp nội chính là yếu tố “sân nhà”, tức là chúng ta hiểu thị trường, biết được người Việt muốn gì và chúng ta sẽ phục vụ trước cho người Việt và mang đến trước cho họ những gì họ cần. Trước khi nhà đầu tư nước ngoài vào thì khối nội cần đẩy nhanh tốc độ hơn nữa.
Đơn cử tại Saigon Co.op, với hệ thống đa dạng của mô hình bán lẻ như: siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng Co.op, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op… vẫn đang tiếp tục mở rộng sẽ được kết hợp với công tác chuyên nghiệp hóa về chuỗi cung ứng và logistics cũng như các hoạt động hỗ trợ khác để tạo vị thế cạnh tranh riêng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, có nhiều lo ngại khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, có thể làm sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại của Việt Nam, do sự xuất hiện và thâu tóm của các “ông lớn” bán lẻ từ nước ngoài.
Tuy nhiên, “chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm tính cạnh tranh. Mà muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường. Bên cạnh đó cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đưa hàng Việt ra ASEAN và khắp thế giới. Ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam cũng cần phải tăng tốc thì mới đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 chiếm 40% thị trường, hiện nay có lẽ vẫn chưa đạt đến 30%”, bà Loan cho biết.
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op cho rằng, để đứng vững trên thị trường trong năm 2018, các nhà bán lẻ Việt Nam cần thực hiện mạnh mẽ để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, đó là: các doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thái độ phục vụ chuyên nghiệp; chương trình chăm sóc khách hàng triển khai chu đáo,… và phải coi người tiêu dùng là trung tâm.
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, thị trường bán lẻ trong nước có rất nhiều thuận lợi. Điển hình như, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. Đời sống người dân được cải thiện, chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân và nhất là dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm ngày càng tăng. Với quy mô thị trường mở rộng, dân số trên 93 triệu người, trong đó nhóm chi tiêu cho tiêu dùng lớn nhất đang ở tuổi 22 - 55, chiếm hơn 70% dân số, là dấu hiệu tích cực về tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ trong năm tới.
Trong năm 2017, doanh thu từ dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành đều tăng 10 - 12% so với năm trước và dự kiến với hai nhóm này sẽ giữ được mức tăng trưởng tốt trong năm 2018 góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2018. Ngành Công Thương phấn đấu mục tiêu tổng mức bán lẻ năm 2018 đạt khoảng 4.269 - 4.288 nghìn tỷ đồng, tăng 10 - 10,5% so với năm 2017.
Để phát triển hơn nữa thị trường nội địa trong năm 2018, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường.
Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản sản xuất tập trung, có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ cao của các địa phương; hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước thông qua các hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp cho các doanh nghiệp thu mua với các vùng sản xuất.