Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến cuộc đổ bộ của những ông lớn nước ngoài, với làn sóng đầu tư mới đã và đang tạo nên làn gió mới trong xu hướng tiếp cận và phục vụ khách hàng trong kỷ nguyên số. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.
- Thị trường bán lẻ phải tận dụng triệt để lợi thế “sân nhà”
- Thị trường bán lẻ trong nước bị “thôn tính”: Không còn là nguy cơ!
- Năm 2023 mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là quá chậm
- Nỗi lo doanh nghiệp ngoại lấn lướt thị trường bán lẻ
Tại Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 20-3 tại Hà Nội, PGS. TS. Lê Xuân Đình- Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh, ở Việt Nam giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt Nam và DN FDI giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.
Thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. |
Bà Lê Việt Nga -Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hàng nội chiếm hơn 80% trên các hệ thống bán lẻ, Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipine là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê ( Bộ KH&ĐT), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD.
Có thể nhận thấy trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ chủ yếu bao gồm cả DN trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt. Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Thời gian vừa qua, các DN lớn của nước ngoài đã liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.
Cạnh tranh giữa các DN, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. |
Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 TTTM; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là khoảng trống để các DN bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… DN bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại.