Thị trường Halal - Tiềm năng lớn của doanh nghiệp Việt Nam

Thứ Hai, 01/07/2019, 09:12
Khi sản phẩm Việt Nam đạt được chứng nhận Halal thì không chỉ có thể xuất khẩu vào Malaysia mà còn có cơ hội tiếp cận tới thị trường Hồi giáo toàn cầu với quy mô dân số lớn.


“Khi đạt được chứng nhận Halal, thì các doanh nghiệp (DN) có cơ hội đặt chân vào thị trường 1,8 tỷ người Hồi giáo (chiếm 24% dân số thế giới). Họ sẵn sàng trả chi phí cao để mua các sản phẩm, dịch vụ Halal”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện Văn phòng chứng nhận Halal tại Việt Nam khẳng định.

Nền công nghiệp Halal gồm rất nhiều các loại sản phẩm, dịch vụ, phù hợp và thân thiện với người Hồi giáo. Dẫn đầu là Malaysia.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Malaysia và nước này cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Việc xây dựng mối quan hệ giao thương với Malaysia sẽ là cầu nối quan trọng, tạo cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường trong khu vực ASEAN và thị trường các nước Hồi giáo”.

Với thực phẩm Halal, quy định nguồn gốc thực phẩm chế biến rất nghiêm ngặt. Cụ thể, các nguyên liệu bị cấm không được sử dụng trong thực phẩm Halal gồm thịt lợn, thịt chó, các chất gây say như rượu, bia...; Các loại nguyên liệu khuyến dùng là thực vật tươi, thủy sản tươi sống. Đặc biệt, thực phẩm phải tốt cho sức khỏe, có giá trị dinh dưỡng, và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại Việt Nam, các sản phẩm nông sản và thủy hải sản rất phù hợp và được người Hồi giáo ưa chuộng. Còn với mỹ phẩm, dược phẩm Halal thì nguyên liệu hướng về cây cỏ thiên nhiên. Tất cả các loại sản phẩm, thực phẩm Halal đều phải có truy xuất nguồn gốc. Nếu sản phẩm không có chứng nhận Halal thì người Hồi giáo sẽ đưa vào diện nghi ngờ, không sử dụng.

Riêng lĩnh vực dịch vụ như tài chính, du lịch... nền công nghiệp Halal hiện cũng đang phát triển rất mạnh nhưng khái niệm này hầu như vẫn còn xa lạ với DN Việt Nam, nên DN Việt Nam chưa khai thác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp, và hiện đang có sẵn rất nhiều nguồn nguyên liệu thô cung cấp cho quá trình sản xuất ra sản phẩm đạt chuẩn Halal. Hơn nữa, Việt Nam có đa dạng các loại trái cây, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất ra những loại  hương liệu, phụ gia, màu... dùng cho thực phẩm, mỹ phẩm.

Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn còn hạn chế trong việc xuất khẩu sản phẩm Halal do thiếu thông tin về thị trường, thiếu thông tin về sản phẩm đạt chuẩn Halal cũng như chưa hiểu rõ văn hóa của người Hồi giáo nên vẫn còn bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng này. 

Vì vậy, để tiếp cận và khai thác hiệu quả, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng cho biết, sản phẩm của DN buộc phải có chứng nhận Halal. Ngoài ra, DN cần phải hiểu rõ văn hóa, kinh doanh của người Hồi giáo để cho việc hợp tác được thuận lợi, đạt kết quả tốt.

Cụ thể, DN mời trà hoặc cà phê để tạo lập niềm tin với đối tác trước khi giao dịch; Không nên hỏi về vợ và con gái hoặc gia đình riêng tư của họ; tránh bắt tay và tiếp xúc với phụ nữ Hồi giáo; Không uống đồ uống có cồn khi tiếp khách; trên bao bì sản phẩm phải có tiếng Ả-rập, không có hình ảnh nhạy cảm, không được minh họa hình ảnh các loại nguyên liệu bị cấm; Họ thích nhận biết tận mắt sản phẩm mua bán nên ngoài việc giao dịch online thì họ còn muốn tiếp xúc trực tiếp với đối tác kèm theo mẫu hàng... Đặc biệt, đối với sản phẩm phải có chứng nhận Halal.

“Khi đã xác định xuất khẩu sản phẩm Halal, thì ngoài các nguyên liệu đạt chuẩn Halal, DN cũng cần chú ý không để nguyên liệu Halal và nguyên liệu không Halal vào chung kho và cũng không được sản xuất hai loại này trên cùng một dây chuyền sản xuất. Bởi, thực tế hiện nay nhiều DN Việt Nam thường mắc lỗi này nên không thể đáp ứng được điều kiện để cấp chứng nhận Halal”, bà Hằng chia sẻ.

Dự kiến đến năm 2030, quy mô của ngành công nghiệp Halal toàn cầu có giá trị lên tới 30,6 nghìn tỷ USD, riêng khu vực châu Á –Thái Bình Dương là 1.100 tỷ USD, trong đó, Malaysia là 228,5 tỷ USD. 

Tại Malaysia cũng có tới 9.000 chuyên gia được huấn luyện về kiến thức Halal để hướng dẫn cho các DN các quy trình thủ tục đạt chứng nhận Halal. Khi sản phẩm Việt Nam đạt được chứng nhận Halal thì không chỉ có thể xuất khẩu vào Malaysia mà còn có cơ hội tiếp cận tới thị trường Hồi giáo toàn cầu với quy mô dân số lớn.

T. Hà
.
.
.