Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên thị trường Tết

Thứ Ba, 07/01/2020, 08:43
Tết Nguyên đán 2020 đang đến gần, nhu cầu mua sắm hàng thời trang của người tiêu dùng (NTD) đang ngày càng tăng mạnh. Đây cũng là dịp hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... trà trộn với hàng chính hãng bán ra thị trường.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng kiểm tra đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm sớm ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm...

Ngày 3-1, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an huyện Bình Chánh kiểm tra cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) giả Nón Sơn tại nhà không số, tổ 1, ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh do Lê Thị Thu Phương (SN 1994, ngụ quận Bình Tân) làm chủ. 

Tại thời điểm kiểm tra, bà Phương cùng công nhân đang sản xuất lô MBH giả 500 cái để giao cho khách hàng. Cơ sở này hoạt động từ tháng 10-2019 đến nay, mỗi ngày sản xuất 300 - 400 MBH giả cho khách đặt hàng để cung ứng thị trường Tết. Cơ quan điều tra thu giữ toàn bộ máy móc, nguyên liệu làm giả MBH, gồm: 1.250 vỏ MBH, 15kg quai MBH, lưỡi MBH và 500 MBH thành phẩm để xác minh, xử lý.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa giả nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Tý – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn cho biết: “So sánh sản phẩm làm giả tại cơ sở này với sản phẩm thật thì NTD rất khó phát hiện được vì hàng giả giống đến 95% hàng thật. Càng gần đến Tết, hàng giả càng lộng hành. Vì vậy, để ngăn chặn, chúng tôi phải đồng hành với cơ quan thực thi để nhận diện hàng giả, hàng thật bởi các đối tượng làm giả hiện nay rất tinh vi, kể cả cán bộ kiểm tra cũng không thể phân biệt được”. 

Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 12 phối hợp với Công an quận 12 kiểm tra điểm chứa trữ, kinh doanh túi xách, quần áo ở đường Nguyễn Văn Quá, khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, phát hiện số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài gồm Chanel, Louis Vuitton, Coach, D & G, Dior, Hermes, MCM, MK; 775 sản phẩm quần áo các loại không rõ xuất xứ, trong đó có 487 bộ có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Burberry, Fila, Kenzo, Louis Vuitton, Gucci, 110 cái quần jeans hiệu Gucci, Dior, 23 cái quần hiệu Burberry và 153 cái áo hiệu Gucci. Khi bị kiểm tra, chủ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa.

Tại trung tâm chuyên kinh doanh hàng thời trang là Trung tâm thương mại (TTTM) Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (quận 1), hàng hóa bán rất đa dạng, có xuất xứ Việt Namvà nước ngoài. Với sản phẩm “made in Việt Nam”, rất khó phân biệt đâu là hàng thật và đâu là hàng Trung Quốc “đội lốt”. Anh Thanh, chuyên bỏ sỉ quần áo trẻ em ở TTTM Sài Gòn Square hướng dẫn: “Nếu nhãn mác được in trực tiếp lên áo với đường in sắc nét và có một tem phụ bằng vải bên hông áo hay lưng quần thì là hàng “made in Việt Nam” thật, còn tem giấy bắn vào thì khả năng cao là hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam”. 

Anh Thanh cũng chia sẻ, anh đã từng nhận được đề nghị từ một mối cung cấp hàng ở ngoài Bắc, chuyên nhập quần tây nam, nữ từ Trung Quốc về để thay mác thành thương hiệu riêng do họ sản xuất. Họ giao tôi nhận công đoạn thay nhãn mác, phân phối hàng cho họ và tôi được hưởng 50 - 70%, tùy doanh số bán được. 

Trong khi đó, phân phối hàng Việt Nam sản xuất thì mức lời cao nhất cũng chỉ 30%. Ngoài mức lời này, tiền công thay mác giá 5.000 đồng/sản phẩm. Công đoạn thay mác khá đơn giản, chỉ là cắt bỏ nhãn cổ áo và tháo bỏ nhãn sườn thông tin thành phần in không đúng.

Theo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trước đó, tháng 11-2019, Tổng cục QLTT đã trực tiếp chỉ đạo 5 đội thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra 30 điểm kiểm tra tại 2 tụ điểm kinh doanh thời trang lớn TTTM Sài Gòn Square và chợ Bến Thành, thu giữ hàng chục nghìn mẫu đồng hồ, túi xách, mắt kính mang các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ. 

Tháng 7-2019, Cục QLTT TP cũng kiểm tra 2 tụ điểm trên và thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới... Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tập huấn, tuyên truyền phòng chống hàng giả, hàng nhái cho hàng trăm tiểu thương kinh doanh tại chợ Bến Thành và TTTM Saigon Square. 

Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức kinh doanh của người bán hàng. Từ nay đến cuối năm bước vào cao điểm kinh doanh, do vậy Cục QLTT TP phối hợp với các cơ quan chuyên trách tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cận Tết Nguyên đán”.

Trong năm 2019, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện hàng loạt vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn TP. Đáng chú ý, TTTM đã là địa chỉ tin cậy của khách hàng mua sắm, nhưng rất nhiều TTTM bị Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra, thu giữ số lượng lớn sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như TTTM An Đông (quận 5), Saigon Square, Lucky Plaza, Taka Plaza (quận 1) và một số chợ truyền thống như chợ Bến Thành (quận 1), chợ Bình Tây (quận 6)… Tổng số tiền xử phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng.

Dịp Tết, Tổng cục QLTT đã “chỉ điểm” hàng loạt tụ điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nổi cộm tại các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh gồm có chợ Bến Thành, chợ An Đông, chợ Kim Biên, chợ Bình Tây, chợ Tân Bình, TTTM Saigon Square và các tuyến đường xung quanh TTTM Lucky Plaza. Các tuyến đường Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Trãi, Ba Tháng Hai… 

Các mặt hàng kiểm tra gồm: thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi... Kế hoạch được triển khai bắt đầu từ tháng 12-2019 đến hết tháng 12-2020. Theo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, các Đội QLTT đang tăng cường kiểm tra các tụ điểm trên để kịp thời ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đưa ra thị trường tiêu thụ trong dịp Tết.

Thúy Hà
.
.
.