Sau cắt giảm thuế quan, tỷ trọng thu thuế vẫn tăng

Thứ Bảy, 14/12/2019, 08:47
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về việc cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, được Bộ Tài chính tổ chức chiều 12-12.


Đã thực hiện cắt giảm thuế theo 12 Hiệp định

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong đó 12 hiệp định đang thực thi  là ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngoài ra, còn có 2 hiệp định có hiệu lực trong năm 2019  là Việt Nam - Campuchia, ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc, 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là Việt Nam - EU, Việt Nam – Cuba.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán lời văn của 20 Chương và kết thúc cơ bản các vấn đề mở cửa thị trường (trừ Ấn Độ) và 3 hiệp định đang đàm phán, bao gồm Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, và Việt Nam - Anh.

Về tình hình triển khai thực thi cam kết về cắt giảm thuế quan trong 12 Hiệp định đang thực hiện của Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023. Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018.

Giá ôtô đã có phần “hạ nhiệt” sau giảm thuế.

Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Úc - New Zealand (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019. Cùng kết thúc lộ trình vào năm 2019, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam - Chile mới chỉ đạt 31,73%.

Còn lại, các Hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu. Trong số 12 hiệp định đang thực hiện, CPTPP là Hiệp định mới nhất được thực thi.

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng (như than đá, than non, dầu thô, vàng...) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Với 4 Hiệp định sắp có hiệu lực thực thi cắt giảm thuế, Bộ Tài chính cho biết đối với Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực - dự kiến trong nửa đầu năm 2020, với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.

 Đối với Hiệp định AHKFTA, lộ trình cắt giảm thuế quan trong biểu thuế ban hành được áp dụng cho 4 giai đoạn theo từng năm, từ năm 2019 - 2022. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ khoảng 72% số dòng thuế của Biểu thuế AHKFTA (tương ứng 7.818 dòng thuế).

Đối với Hiệp định Việt Nam - Cuba, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Cuba được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Cuba.

Còn với Việt Nam - Campuchia, theo cam kết, biểu thuế của Bản thỏa thuận 2019-2020 đã được rút gọn xuống còn 32 mã hàng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%, so với 39 mã hàng như trong Bản thỏa thuận 2016.

Vì sao thuế giảm mà giá ô tô chưa giảm?

Theo thông tin ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), việc giảm thuế theo cam kết tại các Hiệp định khiến cho tỷ trọng thu thuế nhập khẩu trong thu Hải quan giảm dần theo các năm.

Cụ thể, từ 25% năm 2017 xuống 17,4% năm 2018 và đến 2019 là 16,7%. Tuy nhiên, dù giảm thuế, thu ngân sách từ Hải quan vẫn tăng theo các năm: năm 2018, tổng thu ngân sách của ngành Hải quan đạt 314.792 tỷ đồng; năm 2019, tính đến hết tháng 11, dù việc cắt giảm thuế khiến cho nguồn thu giảm 11 nghìn tỷ đồng, nhưng 11 tháng năm 2019, thu ngân sách từ Hải quan vẫn đạt 320 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy, tỷ trọng thu thuế không giảm dù có giảm thuế. Số thu tăng này là do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, đặc biệt là hàng hóa từ ASEAN”, ông Hùng thông tin.

Giải thích thêm, ông Hùng nhấn mạnh việc cắt giảm thuế quan chỉ là cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, còn các sắc thuế khác như Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, hay Thuế Bảo vệ môi trường... vẫn giữ nguyên nên không ảnh hưởng đến nguồn thu hay giá cả.

“Nhiều người thắc mắc trong thời gian qua, thuế giảm mà giá ôtô vẫn chưa giảm ngay tương ứng. Tôi xin giải thích là theo nguyên lý, thuế nhập khẩu giảm, giá bán ôtô cũng sẽ giảm theo. Song thực tế, giá bán ôtô phụ thuộc rất lớn vào thị hiếu thị trường, cũng như việc khan hàng hay không, nên thời điểm mới giảm thuế, có thể giá ôtô chưa giảm ngay, mà phải đợi thêm 1 thời gian nữa. Và thực tế, giá ôtô nhập khẩu từ nhiều thị trường đã giảm sau 1 thời gian giảm thuế”, ông Hùng thông tin thêm.

Hà An
.
.
.