Nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ Hai, 25/06/2018, 11:01
Theo khảo sát của VCCI, đến nay, các doanh nghiệp (DN) mới chỉ tận dụng được 30 - 40% các ưu đãi về thuế quan mà các Hiệp định thương mại tự do hiện có mang lại. 

Như vậy, các DN đã bỏ lỡ 60 - 70% các ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu; Còn với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95-98% các dòng thuế quan ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5-7 năm. 

Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.

CPTPP có hiệu lực đã có tác động trực tiếp đến một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điển hình như ngành dệt may, nhiều DN thừa nhận CPTPP đã mở ra cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận được một số thị trường mới và có tiềm năng trong khối CPTPP.

Dệt may là một trong những ngành có tác động nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Các DN sẽ tận dụng thuế suất ưu đãi để xuất khẩu vào các nước trong CPTPP. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng sẽ có động lực để đầu tư, phát triển ngành nguyên phụ liệu vốn đang rất yếu tại thị trường trong nước như vải, sợi. 

Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt-may hiệu quả hơn. “Trong khối CPTPP, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Mặc dù Việt Nam và Nhật Bản đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, nhưng CPTPP sẽ có tác động thêm, nên thương mại dệt may giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng hơn”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nhìn nhận. 

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thì thách thức lớn nhất có thể kìm hãm sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào khối CPTPP, đó là yêu cầu khắt khe về nguồn cung nguyên phụ liệu để sản xuất ra sản phẩm phải đáp ứng “nguyên tắc xuất xứ” từ sợi trở đi (nghĩa là DN xuất khẩu phải chứng minh được nguyên vật liệu làm ra sản phẩm xuất khẩu đó 100% sản xuất trong nước hoặc nhập từ các nước tham gia CPTPP). 

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm dệt may trong nước, 80% nhập khẩu từ các nước không tham gia CPTPP như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Với ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) phân tích, trong số 10 nước thành viên còn lại của CPTPP, Việt Nam đã có FTA với 7 nước. 

Co lại 3 nước là Canada, Mexico và Peru, thì trong đó Mexico là thị trường khá lớn, Canada có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao cấp và chấp nhận giá thành cao. Vì vậy, đây là cơ hội để DN Việt Nam khai thác thị trường mới và phát triển những dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Cũng với tâm trạng lo lắng trước CPTPP, tại chương trình "Dự báo nền kinh tế Việt Nam và thế giới 2018" do Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức, nhiều DN băn khoăn CPTPP có tạo cơ hội cho khối DN nhỏ và vừa chen chân vào thị trường lớn này? 

TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ giải thích: Điểm mạnh của CPTPP là làm sao để các DN nhỏ và vừa tham gia được vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nhưng vấn đề lớn là Việt Nam vẫn chưa làm được. 

Bằng chứng, DN Việt Nam chưa cung cấp được những linh kiện có giá trị lớn cho Samsung, mà chỉ là những sản phẩm có giá trị thấp, đơn giản.

Sau khi CPTPP được ký kết (tháng 3-2018), những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất là thủy hải sản, dệt may, da giày, lắp ráp đồ điện tử... Cũng như FTA, CPTPP không chỉ mang lại cơ hội cho DN mà cả những thách thức. 

Vì vậy, để giúp DN “hội nhập” tốt trong thời gian tới, hiện nhiều địa phương đã tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm để DN nắm bắt những cam kết về thuế quan, quy tắc “xuất xứ hàng hóa”, cam kết về dịch vụ và đầu tư... trong CPTPP, cũng như hỗ trợ DN khai thác tốt lợi thế từ CPTPP mang lại. 

T. Hà – T.Giang
.
.
.