Tăng cường kiểm soát sau vụ 3.750 con lợn bị tiêm thuốc an thần

Thứ Bảy, 07/10/2017, 09:05
Những ngày qua, dư luận lo ngại, sau khi Lò giết mổ Xuyên Á – lò giết mổ quy mô nhất của thành phố (tính tới thời điểm này) bị đóng cửa, lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ bị thiếu hụt. Lo ngại này là có cơ sở bởi trung bình mỗi ngày, lò giết mổ này cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 con lợn. 


Tuy nhiên, chính quyền và ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã ứng phó khá chuyên nghiệp và quyết liệt, không để sự việc ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Ngành chức năng của thành phố cũng bác bỏ một “tin vịt” liên quan đến tiêu thụ thịt lợn từng gây hoang mang cho nhiều người…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đã thực hiện ngay các biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt lợn trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm dừng hoạt động.

Sức mua thịt lợn tại chợ giảm trong mấy ngày gần đây.

Sở Công thương đã gấp rút làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan. Kết quả, về nguồn cung, các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thừa nguồn cung lợn hơi, cam kết sẽ đảm bảo theo yêu cầu người mua.

Về năng lực giết mổ thay thế cho cơ sở Xuyên Á, Cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy, Công ty Vissan và các cơ sở khác trên địa bàn, công suất tăng thêm tổng cộng 3.500 con và TP Hồ Chí Minh có khả năng kiểm soát được các cơ sở giết mổ này. Như vậy, số lượng còn thiếu khoảng 1.500 con, phải nhập từ cơ sở giết mổ của các tỉnh lân cận, chủ yếu Long An.

“Tuy nhiên, các cơ sở Anh Hoàng Thy, Vissan thực hiện giết mổ công nghiệp, chi phí giết mổ cao, chủ yếu cung cấp cho hệ thống phân phối của đơn vị hoặc các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa  hàng thực phẩm sạch, tiện lợi), không cung cấp ra các chợ đầu mối, không ưu tiên cho thuê hoặc gia công giết mổ. Hơn nữa, việc lựa chọn cơ sở giết mổ là do thương nhân, thương lái tự quyết định nên nhiều khả năng sẽ không đưa lợn vào giết mổ trong các cơ sở trên mà đưa về giết mổ tại những cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn các tỉnh lân cận”, ông Hòa nhận định.

Với hệ thống phân phối, thì tại kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) cam kết không để thiếu hụt hàng hóa và bán đúng giá bình ổn thị trường. Tại kênh phân phối truyền thống (chợ), Sở Công thương yêu cầu Công ty Vissan chỉ đạo các trung tâm kinh doanh, phân phối sỉ thịt lợn của công ty có kế hoạch bổ sung, đảm bảo nguồn cung cho tất cả 147 quầy sạp, điểm bán của đơn vị tại 23 chợ truyền thống trên toàn địa bàn thành phố. Cung cấp tên, số điện thoại liên lạc người phụ trách Trung tâm kinh doanh cho BQL các chợ truyền thống, sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp nguồn hàng cho tiểu thương hoặc thực hiện phương án bán hàng lưu động khi có yêu cầu.

Song song với giải pháp vừa kể,  UBND TP Hồ Chí Minh cũng chủ trương thực hiện việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm thịt lợn, xem đây là xu thế phát triển tất yếu để đảm bảo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm. Đề án đưa vào thí điểm từ cuối 2016 và có hiệu lực từ ngày 31-7-2017. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có hệ thống phân phối hiện đại thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc.

Còn tại các chợ, thịt chưa được truy xuất nguồn gốc vẫn còn tỷ lệ khá cao. Sở Công thương cho biết, sau cuộc họp nghe báo cáo việc triển khai thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng vừa kết luận: Kể từ ngày 16-10 tới, sẽ kiên quyết không cho thịt lợn không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định của Đề án được nhập vào chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền. Tiếp tục hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã đăng ký tham gia đề án, 100% cho các tổ hợp tác, hợp tác xã đến hết ngày 31-12-2017.

Bên cạnh đó, giao Chi cục QLTT, Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan. Đặc biệt, Công an TP Hồ Chí Minh phải tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thương nhân, thương lái thu mua, kinh doanh lợn, thịt lợn khi đưa vào địa bàn không có đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế, hóa đơn, chứng từ không hợp lệ. Xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bơm nước vào lợn.

Ba ngày qua, trên một số trang mạng như phapluat.news, congtin.vn... xuất hiện thông tin: “khẩn cấp hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa chất an thần tại 2 trường mầm non và 1 trường tiểu học ở TP HCM sau bữa ăn trưa, 63 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, số lượng các trẻ nhập viện cấp cứu ngày một tăng cao”.

Thông tin này lập tức được một số tài khoản Facebook chia sẻ, gây hoang mang cho phụ huynh. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh khẳng định với báo giới đây là “tin vịt”, không hề có vụ việc như thế diễn ra trên địa bàn.

Ngành giáo dục cũng khẳng định không trường nào có học sinh bị ngộ độc như vậy. Các bệnh viện trên địa bàn cũng không nhận những ca ngộ độc này. Thành phố cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng xác minh làm rõ, xử lý tác giả của những “tin vịt” này. (PV)

Thúy Hà
.
.
.