Quyết liệt “cuộc chiến” với “công nghiệp đen”: Khẩn trương trám… “kẽ hở”

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:40
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều quyết định nhất để “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái đạt được kết quả cao, doanh nghiệp (DN) chân chính và người tiêu dùng (NTD) được bảo vệ vẫn chính là giải pháp hữu hiệu.


Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về những vấn đề liên quan các chuyên gia đề nghị quy định của pháp luật đối với hành vi làm hàng nhái, hàng giả cần phải thật nặng, triệt để mới đủ sức răn đe….

Có quá nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến, gây tổn hại cho DN chân chính và quyền lợi, sức khỏe NTD. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh, công tác quản lý của Nhà nước hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, hay nói cách khác là không theo kịp những biến đổi của nền kinh tế, trong đó có sự gia tăng ồ ạt của các công ty, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. 

Trong khi đó, cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý của Nhà nước nói chung chưa đạt hiệu quả, việc thực hiện quản lý cụ thể còn chưa tốt, ý thức của người tham gia quản lý còn chưa cao, trình độ quản lý còn yếu, kinh phí hạn hẹp, dẫn tới buông lỏng quản lý, kiểm tra, kiểm soát mang tính hình thức, không thường xuyên…

Tang vật tại kho tạm giữ của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM ngày càng đầy thêm.

Công tác giám định, thẩm định hàng giả hiện gặp nhiều khó khăn. Có những loại hàng giả như tân dược chưa có visa lưu hành tại Việt Nam nên khi cần giám định không có mẫu thu thập hợp pháp để so sánh theo yêu cầu của cơ quan giám định. 

Nhiều DN bị xâm hại quyền lợi, bị làm giả thương hiệu đã không thực sự chủ động phối hợp các cơ quan chức năng để đấu tranh hiệu quả đối với các đối tượng, đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả nên số đối tượng dạng này không chỉ tồn tại mà ngày càng đông thêm. 

Việc quản lý cấp phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn lỏng lẻo. DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của mình nhưng Nhà nước lại không có tiêu chuẩn nào để so sánh dẫn đến việc hàng hóa kém chất lượng, không tác dụng như những lời quảng bá “có cánh”. Nguy hiểm hơn là sữa dùng cho trẻ em nhưng vẫn được cấp phép là thực phẩm dinh dưỡng…

Ngoài các lý do cơ bản vừa kể, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế cho rằng chính sựthiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật đã tạo nên “đất sống” cho đối tượng và tội phạm sản xuất hàng giả. 

Nhiều văn bản hiện hành chưa quy định rõ ràng về khái niệm “hàng giả”, có những điểm trùng giẫm với hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp. Một số quy định của BLHS chưa được hướng dẫn rõ ràng. 

Ngoài ra, cơ chế pháp luật chưa đảm bảo khuyến khích người dân và DN tham gia tích cực hơn vào “cuộc chiến” phòng chống hàng giả.

Dù đã có Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhưng việc thực thi vẫn chưa tạo thành một cơ chế thống nhất, dẫn đến hiệu quả chưa cao. 

Muốn khởi tố vụ án về hàng giả phải có kết quả giám định của cơ quan chức năng, trong khi thời gian tạm giữ có hạn. Đến khi có kết quả giám định, VKS phê chuẩn thì việc bắt tạm giam gặp khó khăn do phần lớn đối tượng là dân nhập cư, chỗ ở không ổn định.

Việc xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu kiên quyết, triệt để, đa số là xử lý hành chính phạt tiền, số vụ khởi tố hình sự còn ít, vì vậy tính chất răn đe, giáo dục chưa cao. 

Từng theo dõi và tham dự nhiều phiên toà xét xử các vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, luật sư Đỗ Hải Bình, Văn phòng Luật sư Quốc Anh (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, quy định của pháp luật hiện hành về mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (phạt cá nhân cao nhất chỉ 250 triệu đồng, tổ chức 500 triệu đồng); mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe bởi thực tế nhiều đối tượng bị phạt tù còn chưa sợ bởi lợi ích mang lại từ hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái cao gấp rất nhiều lần. 

Điển hình là nhiều vụ việc bị toà đưa ra xét xử gần đây, hầu hết các đối tượng đã có tiền án, tiền sự liên quan đến hành vi này nhưng sau khi ra tù vẫn tiếp tục hành nghề bởi siêu lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả đem lại.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tài, Văn phòng Luật sư Mai Trung Tín (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), nhóm tội sản xuất buôn bán hàng giả được BLHS 2015 quy định từ điều 192 - 195. 

Theo đó, Điều 192 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả có mức hình phạt tù cao nhất là 15 năm. Điều 193 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì mức hình phạt tù cao nhất là tù chung thân. 

Điều 194 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì mức hình phạt cao nhất được quy định là tử hình. Điều 195 quy định vềtội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” thì mức hình phạt tù cao nhất được quy định là 20 năm tù.

B. HUYỀN – A. HUY
.
.
.