Phân bón giả gây thiệt hại từ trên 2 tỷ USD mỗi năm

Thứ Tư, 25/07/2018, 09:22
Chiều 24-7, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị về công tác nông vận trong sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón ở Việt Nam.


Theo ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 10,2 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm sử dụng hàng triệu tấn phân bón các loại. Giai đoạn 2015-2017, Việt Nam sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón các loại. Riêng năm 2017, Việt Nam nhập khẩu gần 5 triệu tấn.

Sử dụng phân bón hữu cơ đảm bảo an toàn nông sản và sức khoẻ con người.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng về sử dụng phân bón và nông dân đang lạm dụng phân bón vô cơ trong sản xuất. Một lượng lớn phân bón trong đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng, một phần bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm độ phì nhiêu đất đai, làm tích lũy dư lượng chất độc hại trong nông sản, đặc biệt là nitrat trong rau. 

Cả nước đang lãng phí khoảng 70% lượng phân bón, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, giảm hiệu quả kinh tế, suy thoái đất, có nguy cơ cao đến an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và môi trường. 

Tình trạng hàng nghìn cơ sở sản xuất với lượng sản phẩm phân bón đang có mặt trên thị trường quá nhiều và lượng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, cơ quan chức năng khó kiểm soát, khiến nông dân không thể nhớ, hiểu và phân biệt, nhận biết được chất lượng khi mua phân bón, dẫn đến thiệt hại kinh tế... cũng đang rất phổ biến.

"Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; gây hệ luỵ nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại từ 2-2,2 tỷ USD mỗi năm", Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết thêm.

Việc cung ứng phân bón qua nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí tăng cao khi đến tay người tiêu dùng; việc lạm dụng phân bón vô cơ và hiệu suất sử dụng phân bón rất thấp (chỉ đạt khoảng 45-50%),  gây ô nhiễm nguồn nước, làm giảm độ phì nhiêu đất đai, làm tích lũy dư lượng chất độc hại trong nông sản.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Lê Quốc Doanh phân tích,  phân bón là 1 trong những vật tư quan trọng của ngành nông nghiệp, đặc biệt đối với ngành trồng trọt. Nhận thức người dân có sự tiến bộ nhận dạng sử dụng hiệu quả, tiết kiệm của đại bộ phận là tốt, nhưng có nhiều hạn chế trong quản lý sử dụng phân bón. 

Tuy nhiên, theo ông Doanh, chúng ta còn quá nhiều sản phẩm phân bón, quá nhiều cơ sở sản xuất phân bón, 735 cơ sở sản xuất phân bón, công suất gấp 2,5 lần so với nhu cầu, công suất của các nhà máy. 

“Hệ lụy là tức là khâu quản lý về chất lượng, lưu thông thị trường phân bón, khó cho người sử dụng, là nguyên nhân trà trộn cho hàng giả, hàng kém chất lượng, lãng phí của đầu tư. Công suất sản xuất phân bón cả nước giờ 26,7 triệu tấn năm, dư thừa quá lớn, gấp 3 lần như cầu sử dụng nhưng tôi thấy vẫn còn hồ sơ xin tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất phân bón, dẫn đến cạnh tranh nhau không lành mạnh”, ông Doanh khẳng định.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tích cực đưa công tác quản lý phân bón vào luật, đồng thời rà soát, đánh giá lại hồ sơ chất lượng phân bón và đã loại được hơn 2.000 loại phân bón kém chất lượng; quản lý chặt chẽ và hạn chế nhập khẩu phân bón. 

Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các địa phương, đơn vị chức năng, nông dân sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, khuyến khích nghiên cứu sản xuất phân bón thế hệ mới thân thiện với môi trường; tăng cường hướng dẫn, nâng cao sự hiểu biết, nhận diện, nhận biết về chất lượng phân bón cho nông dân... 

Những tồn tại hạn chế nêu trên đòi hỏi cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Hội Nông dân các cấp cần phải vào cuộc tích cực để góp phần lập lại trật tự thị trường phân bón, từng bước giúp nông dân sử dụng hiệu quả phân bón, chuyển dần từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, an toàn nông sản và bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách của Nhà nước về phân bón, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng xanh, sach và bền vững của Chính phủ.

Chi Linh
.
.
.