Nước mắt ở làng nghề nuôi trồng thủy sản sau bão dữ
- Giảm ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long từ việc nuôi trồng thủy sản
- Biển miền Trung đã an toàn cho tắm biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản
- Người nuôi trồng thủy sản điêu đứng vì sản phẩm xử lý ao, hồ rởm
Sau cơn bão dữ, chúng tôi trở lại Vạn Ninh – địa bàn cửa ngõ phía Bắc tỉnh Khánh Hòa tận mắt chứng kiến hình ảnh hàng trăm lồng bè thả nuôi tôm, cá đã bị cuồng phong và sóng biển xô đập tan tác.
Ngồi thẫn thờ bên biển chiều se lạnh, giọng bà Nguyễn Thị Loan (trú ở thị trấn Vạn Giã) trầm buồn: “Dù đã giằng neo trước khi bão ập đến nhưng sau một đêm giông gió khốc liệt, gần 14.000 con tôm hùm đã bị cuốn trôi ra biển, để lại những lồng tôm méo mó. Chỉ tính với giá rẻ nhất, gia đình tui đã mất trắng gần 30 tỷ đồng. Trắng tay bởi thiên tai lại thêm khoản nợ tiền vay ngân hàng, tiền mua thức ăn nuôi tôm nữa chứ”.
Sau bão, những làng nghề nuôi trồng thủy sản tan hoang xơ xác. Ảnh: Trung Thi. |
Cùng cảnh trắng tay như bà Loan còn có hàng trăm người dân khác ở ven biển Vạn Ninh đang đau đáu nỗi buồn. Ông Trịnh Văn Tèo – một trong những ngư dân nổi danh với nghề nuôi tôm hùm ở làng biển Đầm Môn, xã Vạn Thạnh trách than nghe buồn não ruột: “Hơn 15 năm bám biển mưu sinh, thăng trầm tui đã từng trải qua từ khi trúng tôm, được giá đến lúc dịch bệnh, giá bèo nhưng đây là lần đầu tiên tui cùng nhiều người lâm cảnh trắng tay do thiên tai. Chỉ sau vài giờ bị bão tàn phá, 2.500 con tôm hùm trong 100 lồng nuôi của gia đình tui đã bị cuốn sạch, thiệt hại ít nhất 4 tỷ đồng”.
Ông Lê Công Ngọc (trú ở thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng) cho biết, khi có tin báo bão gần bờ, ông đã vay tiền mua thêm vật liệu để neo giằng 200 lồng nuôi tôm hùm xuống đáy biển, nào ngờ bão dữ xô đập, cuốn phá tan hoang xơ xác; hơn 10.000 con tôm hùm trị giá khoảng 10 tỷ đồng đã mất sạch.
Cách đó không xa, ông Lê Đức Khang đang kéo những chiếc lồng nuôi cá bị hư hỏng sau nhiều đợt sóng gió xô dạt rải rác ven bờ. Đưa tay lau mồ hôi, người đàn ông này nói: “Bão đã cuốn mất của tui hơn 5.000 con cá bớp, cá chim đã sắp đến hồi thu hoạch, thiệt hại ít nhất hơn 1 tỷ đồng”. Hàng trăm hécta ao đìa ốc hương ở các xã Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Hưng... cũng bị cuốn trôi khiến nhiều gia đình mất trắng tiền tỷ.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, bão số 12 đã làm thiệt hại 44.320 lồng và 3.270 bè thả nuôi tôm, cá và hàng trăm hécta ao đìa nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương; giá trị thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Đến thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh - nơi được ví như “thủ phủ” tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, chúng tôi chạnh lòng khi nhìn thấy những người dân ven biển đang gom nhặt hàng trăm chiếc lồng bị hư hỏng đưa lên bờ để sửa chữa. Bên ngoài biển vẫn còn một số lồng tôm khác trôi nổi dập dềnh trên sóng biển. Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh – ông Lê Minh Hoan cho biết 3.431 lồng tôm hùm của 235 hộ gia đình và 1.300 con cá mú đã bị bão cuốn trôi, thiệt hại ước tính gần 68 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Quang – một người chuyên nghề nuôi tôm hàng chục năm nay ở làng biển Vịnh Hòa chia sẻ: “Dù tâm bão ập vào địa phận tỉnh Khánh Hòa nhưng nhiều người dân ở đây không hề chủ quan khi dự báo sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ nên các biện pháp giằng neo lồng bè tôm cá đã được thực hiện. Khi bão ập vào đất liền, những đợt sóng xô đập dữ dội nên hàng trăm lồng tôm ở đây biến dạng sau khi bị cuốn trôi nhiều nơi”.
Không riêng xã Xuân Thịnh mà nhiều địa bàn khác ở thị xã Sông Cầu như Xuân Lộc, Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Phương, Xuân Hòa cũng bị thiệt hại nghiêm trọng khi hàng trăm hécta ao đìa tôm thẻ chân trắng, ốc hương và hàng ngàn lồng bè bị sóng gió cuốn trôi.
Bà Phạm Thị Kha (trú ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương) đứng lặng hồi lâu bên vịnh Xuân Đài, rồi nghẹn ngào: “16.760 con tôm hùm lớn nhỏ khác nhau đã bị cuốn trôi, gia đình tôi thiệt hại không dưới chục tỷ đồng. Sau thiên tai này chưa biết sẽ tìm đâu ra nguồn tiền để trả nợ vay ngân hàng và khôi phục lại nghề nuôi tôm mà gia đình tui đã mưu sinh hơn hai chục năm nay”.
Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, chỉ riêng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản ở địa phương này ước tính hơn 171 tỷ đồng.
Rời miền biển Khánh Hòa, Phú Yên khi ánh chiều buông xuống, chúng tôi vẫn nhớ mãi mong mỏi của người dân: Cần có sự trợ giúp bằng cơ chế khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn từ phía các ngân hàng. Nếu không, người dân nơi này khó có thể khôi phục lại làng nghề nuôi trồng thủy sản từng gắn bó lâu nay.