“Nóng” tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới Tây Nam

Thứ Hai, 25/11/2019, 08:47
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh An Giang liên tiếp phát hiện và bắt giữ, xử lý nhiều vụ vận chuyển lợn trái phép qua biên giới.

Theo chính quyền và ngành chức năng địa phương, sở dĩ tình trạng buôn lậu lợn có dấu hiệu tăng cao là do trong nước thịt lợn đang khan hiếm do người chăn nuôi chưa tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, kèm theo đó là sự chênh lệch giá lợn trong nước và các địa phương phía Campuchia.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ đầu tháng 10 đến ngày 19-11, ngành chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện xử lý 16 vụ vận chuyển lợn nhập lậu, với hơn 400 con (tổng trọng lượng khoảng 30 tấn) từ Campuchia vào Việt Nam. Mặc dù các mẫu lợn nhập lậu qua xét nghiệm đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chênh lệch giá thành

Vào hồi 4h15 ngày 10-11, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Phú Hội và Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng An Giang tổ chức tuần tra, kiểm soát tại khu vực cầu Chùa Cô, thuộc ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang), phát hiện 2 đối tượng đang dùng xuồng máy vận chuyển lợn chạy hướng Campuchia vào Việt Nam. 

Tổ công tác phát tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, các đối tượng đã tăng tốc xuồng máy bỏ chạy. Tổ công tác truy đuổi đến khu vực cầu Phú Hội thì tiếp cận và bắt giữ 2 đối tượng cùng tang vật là 30 con lợn (trọng lượng khoảng 1,8 tấn). 

Khai thác nhanh, 2 đối tượng khai nhận, số lợn trên được một người đàn ông Campuchia khoảng 40 tuổi thuê vận chuyển về Việt Nam giao cho ông Hiệp, ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú để lấy tiền công 500.000 đồng/người.

Trước đó 1 tuần, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng Phú Hội, đã phát hiện 3 đối tượng người Campuchia đang điều khiển 1 chiếc vỏ lãi vận chuyển lợn từ bên kia biên giới vào Việt Nam. 

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển lợn nhập lậu.

Tổ công tác đã yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, qua đó xác định, 29 con lợn (tổng trọng lượng gần 2 tấn) đều là lợn thịt nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tổ công tác đã báo cáo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ biên giới Campuchia để bàn giao người và tang vật.

Theo ngành chức năng tỉnh An Giang, sở dĩ xảy ra tình trạng nhập lậu lợn là do giá lợn trong nước cao, chênh lệch so với giá lợn bên Campuchia. Từ lời khai của các đối tượng bị bắt giữ cho thấy, giá lợn giữa Việt Nam và Campuchia chênh lệch vài chục nghìn đồng/kg. Như vậy cứ một tấn lợn hơi nhập lậu thành công các đối tượng buôn lậu sẽ thu về hàng chục triệu đồng. 

Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình nhập lậu lợn vào Việt Nam càng gia tăng, diễn biến phức tạp, các đối tượng sẽ tìm mọi cách nhập lậu lợn vào Việt Nam.

Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, hiện tại, giá thịt lợn ở Campuchia dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi tại tỉnh An Giang có giá khoảng 75.000 đồng/kg. Vì vậy, các đối tượng người Campuchia đã cấu kết với các đối tượng người Việt Nam vận chuyển trái phép lợn thịt từ Campuchia qua biên giới vào An Giang tiêu thụ. 

“Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn thịt qua biên giới. Đồng thời, tổ chức vận động người dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn trái phép vào Việt Nam”, Đại tá Phan Minh Huyền nói.

Chủ động ngăn chặn

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến ngày 5-10, tỉnh An Giang ghi nhận 1.223 điểm dịch tả lợn châu Phi, xảy ra tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/11 huyện, thị xã, thành phố; tiêu hủy gần 28.000 con lợn mắc bệnh. 

“Tình hình dịch tả lợn châu Phi tại An Giang đang được kiểm soát và khống chế lây lan. Tuy nhiên, các địa phương bên kia biên giới của Campuchia tiếp giáp với tỉnh An Giang, bệnh dịch này đang diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm qua lợn thịt, các sản phẩm động vật từ Campuchia vào tỉnh An Giang là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ biên giới”.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị, sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang tập trung kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua khu vực biên giới Campuchia về Việt Nam, nhất là dịp lễ, tết sắp đến. 

Đối với thị trường trong địa bàn tỉnh An Giang, tại chốt kiểm dịch tạm thời đặt tại phường Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc) tích cực hoạt động ngăn ngừa vận chuyển lợn nhập lậu lọt qua cửa ngõ huyện An Phú đưa vào lò giết mổ ở Châu Đốc hoặc các huyện lân cận tiêu thụ. 

Tuy nhiên, trong việc kiểm tra ngăn ngừa lợn nhập lậu, ngoài vai trò của ngành Thú y, Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an còn đòi hỏi sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các địa phương để có thể đạt hiệu quả cao.

Để ngăn ngừa tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ở khu vực biên giới. 

Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện những nội dung như: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không bảo đảm an toàn; chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào trên địa bàn. 

“UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan tiến hành thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm trong tỉnh để kiểm tra việc tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Anh Thư nói.

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển lợn nhập lậu.

Cần có giải pháp ổn định giá thịt lợn

Theo Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương hiện đã dần được kiểm soát, số lượng lợn bị tiêu hủy thấp hơn những tháng trước, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Tình hình này khiến cho thị thường thịt lợn thiếu hụt mạnh về nguồn cung và giá cả tăng mạnh. 

Trong khi đó, dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng mạnh, làm thay đổi lớn về cán cân cung - cầu... 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá - về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao. 

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm), có giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Trần Lĩnh
.
.
.