Nông thủy sản trước lợi thế từ EVFTA

Thứ Tư, 18/11/2020, 09:02
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 với thuế suất 0% cho hàng nông thuỷ sản của nước ta khi xuất sang thị trường châu Âu (EU). 

Đây là một cơ hội nhưng cũng là thách thức cho nông thuỷ sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đòi hỏi doanh nghiệp (DN), nông dân phải tìm hiểu và chuẩn bị kĩ khi “vào sân chơi”, vì EU là thị trường khắt khe.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi xuất khẩu (XK) thủy sản hồi tháng 8 vẫn tiếp tục đà suy giảm do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì XK tôm vào EU có dấu hiệu phục hồi trở lại. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,8% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. 

Sau khi giảm trong những tháng trước đó, XK tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt trong quý 3 năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế XK nhiều mặt hàng tôm Việt Nam, như: Tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức thuế từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay.

Tháng 9-2020, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 57,6 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 371 triệu USD, tăng 2,3%. Trên thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Ngành Du lịch cũng bắt đầu khởi động. 

Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt, đây sẽ là thị trường được nhiều DN tập trung XK trong những tháng cuối năm. XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo vì EU là thị trường nhập khẩu gạo rất lớn, từ 2,3 - 2,5 triệu tấn/năm. Theo cam kết của EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm từ gạo. 

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho biết, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, công ty đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Đức và Pháp với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Giá gạo ST20 mà công ty XK sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. 

Trong khi đó, trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 800 USD/tấn, gạo Jasmine 520 USD/tấn. Vào cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cũng đã lần lượt XK 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 sang EU. 

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 HTX liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024. Ở mặt hàng trái cây, Công ty Vina T&T (Bến Tre) đã xuất khẩu bằng đường tàu biển và hàng không gồm 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh sang Đức và 3 tấn thanh long sang Hà Lan. Trung bình mỗi tuần, đơn vị này xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang EU.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định, EVFTA mở ra cơ hội đối với nông sản Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Với thuế suất bằng 0%, các mặt hàng nông sản có cơ hội cạnh tranh với các nước và điều kiện xuất khẩu trở nên thuận lợi hơn. UBND TP đã giao cho Sở Công Thương phối hợp cùng nhiều sở, ngành khác tuyên truyền, vận động để DN hiểu và tận dụng cơ hội này. Tính đến nay, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã cấp 213 bộ CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá) đi EU với kim ngạch 15,9 triệu USD, chủ yếu là gạo, thủy sản, trái cây để XK sang Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ.

Như Anh
.
.
.