Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC trước thời hạn
- Thuỷ sản xuất khẩu giảm giá ở 22/37 thị trường
- Việt Nam tham gia hệ thống cấp chứng thư cho hàng thủy sản xuất khẩu vào EU
- Chỉ kiểm tra giấy kiểm dịch thủy sản xuất khẩu sang 7 thị trường
- Số lô thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật Bản bị cảnh báo giảm một nửa
Ngày 23-10-2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23-10-2017 đến 23-4-2018).
Trên thực tế, trong thực hiện các khuyến nghị của EC, 5 tháng vừa qua, ngoài từng bước hoàn thiện khung pháp lý hướng tới quản lý nghề khai thác hải sản bền vững, điểm nổi bật có thể kể đến là cơ quan chức năng đã tăng cường việc giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.
Phát triển nâng cấp tàu cá của ngư dân là yêu cầu cấp thiết. |
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá về những kết quả nổi bật của Việt Nam đạt được sau quá trình nỗ lực khắc phục các khuyến nghị của EC cho rằng, vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, gần như không còn tàu cá Việt Nam vi phạm ở khu vực các nước quốc đảo Thái Bình Dương. Đây không phải là các giải pháp mang tính chất đối phó mà Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì nỗ lực để đảm bảo xây dựng một nghề cá bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thẳng thắn: “Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, cần có lộ trình để xử lý các vấn đề, đạt được mục tiêu như mong muốn từ EC.
Hiện tại, phía EC đã đồng ý cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới sẽ cử đoàn làm việc sang Việt Nam để đánh giá thực tế, sau đó xem xét có rút “thẻ vàng” cho Việt Nam hay không. Các nước “láng giềng” xung quanh Việt Nam cũng có một số nước từng bị EC áp dụng “thẻ vàng” nhưng chưa có nước nào được gỡ bỏ sau thời gian 6 tháng. “Việt Nam đang cố gắng nếu không gỡ bỏ được thẻ vàng trong 6 tháng thì cũng chỉ thêm một thời gian ngắn.
Trong quan hệ song phương, những nỗ lực của Việt Nam chỉ chiếm 50%, thời gian tới, dù chưa gỡ bỏ được thẻ vàng cũng không để ảnh hưởng tới quan hệ thương mại đôi bên”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 09/CT-TTg về khắc phục tình thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị nước ngoài trả về, cảnh cáo. Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng loại bỏ ngay sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ảnh hưởng đến thương hiệu và kiểm soát chặt sử dụng kháng sinh trong thuỷ sản.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục các sản phẩm được phép lưu hành; chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến công nghệ sản xuất giống thủy sản để chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng; vận động, hướng dẫn người nuôi, doanh nghiệp áp dụng biện pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.