Nhọc nhằn cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới Lạng Sơn

Thứ Sáu, 25/10/2019, 09:31
Việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Lạng Sơn vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp và sẵn sàng bùng phát vào những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý.


Bài 1: Trắng đêm gác cổng biên giới     

Thời điểm này, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Lạng Sơn thoạt nhìn có vẻ yên ắng hơn so với những năm trước do không phát sinh điểm “nóng”, ít vụ việc có quy mô lớn bị lực lượng chức năng phát hiện.

Tuy nhiên, đằng sau sự bình yên đó, việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Lạng Sơn vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp và sẵn sàng bùng phát vào những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý.

Đỉnh điểm, trong những ngày đầu tháng 8, các đối tượng buôn lậu đã xông vào nhà công vụ để uy hiếp, đe dọa cán bộ sau khi bị lực lượng chống buôn lậu bắt giữ hàng hóa.

Đêm ở cột mốc biên giới

Gần 22h ngày 18-10, tại một lán nhỏ ở cửa khẩu Tân Thanh, ca trực của Tổ Kiểm soát, Chi cục Hải quan Tân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh Đào Thu Lan cùng anh em chuẩn bị đi tuần quanh khu vực biên giới.

Từ khi đảm nhận vị trí Chi cục trưởng vào tháng 5-2019, các đối tượng vận chuyển hàng lậu ở cửa khẩu phải chùn bước trước sự quyết liệt của vị “nữ tướng”. Mấy tháng nay, không chỉ các cán bộ của Tổ Kiểm soát chống buôn lậu trực 24/24h, bà Lan cũng ứng trực và tuần tra, bắt buôn lậu cùng anh em gần như 24/24h.

22h, chúng tôi đi kiểm tra khu vực biên giới cùng Hải quan Tân Thanh và Đồn Biên phòng Tân Thanh. Điểm tuần tra đầu tiên là khu vực Đồi Cao, cách biên giới 600m, nơi từng là điểm nóng về vận chuyển hàng lậu, bởi các đối tượng chỉ cần ném hàng từ biên giới sang, có đội quân cửu vạn đón sẵn, sau đó vác xuống núi, ẩn nấp vào các nhà lán ven đường, sau đó đưa vào nội địa.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh và Hải quan Tân Thanh kiểm tra chống buôn lậu ở khu Khe Choóng.

Tuy nhiên, hiện nay các lán dưới chân đồi gần như bị bỏ trống. Ngay chân đồi là một chốt canh giữ của Hải quan và Bộ đội Biên phòng. nhưng túc trực từ tối đến giờ chưa phát hiện đối tượng vận chuyển hàng lậu qua đây.

Chúng tôi tiếp tục đi tới khu vực Khe Choóng - nơi có mốc 1088/2. Điểm này bắt đầu từ con đường đấu nối Khả Phong. Tại đây, Biên phòng và Hải quan Tân Thanh lập một lán tạm để túc trực 24/24h nhằm kiểm soát chống buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép.

Cả cánh rừng đen như mực, chỉ loe lóe thấy bóng đèn pin. Chi cục trưởng Đào Thu Lan với một đồng chí bộ đội Biên phòng dẫn đầu. Trên đường đi luôn nhắc chúng tôi cẩn thận bởi trong rừng có nhiều rắn lục, chúng từ trên cao có thể “mổ” vào đầu, vào mặt bất cứ lúc nào. Đường dốc, trơn trượt, men theo đỉnh đồi mà đi.

“Cả Tổ kiểm soát có 22 đồng chí, nhưng lúc bắt hàng lậu thì huy động cả Chi cục” – vừa đi, bà Lan vừa giải thích. Trên đường, chúng tôi không gặp đối tượng mang vác hàng nào, nhưng các lán dọc đường thì có nhiều. Trước đây, các đối tượng vác hàng lậu thường dùng để nghỉ chân hoặc lán của tổ chốt chống buôn lậu.

“Lán bỏ không là vì 2 tháng nay, do kiểm soát tốt địa bàn, khu vực này gần như không có hoạt động vận chuyển hàng lậu, chỉ lẻ tẻ một số đối tượng nghiện, ngày vác một ít hàng kiếm tiền mua ma túy” – bà Lan cho biết.

Hơn nửa tiếng leo bộ, chúng tôi lên tới vành đai biên giới. Phía Trung Quốc đã xây cột để làm hàng rào dây thép gai cao khoảng 3,5m. Trong đêm đen, nhìn ra cách đó không xa là hàng rào dây thép gai chạy dài mà Trung Quốc đã xây dựng nhằm ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và buôn lậu.

Theo các cán bộ Biên phòng, với địa hình hiểm trở như ở đây, khi hàng đã qua biên giới, đội quân mang vác hàng thuê bốc hàng xuống núi với tốc độ rất nhanh và lẩn khuất vào rừng. Nếu thấy bị động, chúng chạy ngược lên phía biên giới để trốn. Vì vậy, các lực lượng chức năng rất khó bắt giữ. Nhiều khi chỉ thu giữ được hàng vô chủ.

Sau gần 2h đi thực địa ở biên giới, về tới nơi đã quá nửa đêm. Theo bà Đào Thu Lan, sở dĩ hoạt động buôn lậu ở Tân Thanh giảm mạnh là do Hải quan và Biên phòng thực hiện 2 chuyên đề đánh chặn buôn lậu trong tháng 5 và tháng 7 vừa qua. “Rất vui là những kế hoạch ra quân 2 lần đều thành công, mình có động thái quyết liệt như vậy nên các đối tượng buôn lậu cũng chùn bước, không dám đi hàng nữa” - bà Lan nói.

Trong một tối trung tuần tháng 7-2019, khi anh em trong đơn vị cả ngày đi tuần tra, cắt cử về ăn cơm thì “chim lợn” biết được nên đã báo cho đội cửu vạn tranh thủ mang hàng ào xuống khe Lọ Bon. Khi cả đội vừa bưng bát cơm, điện đàm báo có hàng đổ bộ, toàn đơn vị bỏ cơm, ào đến điểm Lọ Bon.

Tức thì 40-50 người bốc vác hàng thấy động đã quay ngược trở lại phía bên kia biên giới. Hàng hoá lăn xuống dốc bọn chúng cũng không dám xuống lấy.

Tuy nhiên, sự manh động của đối tượng buôn lậu thì luôn tiềm ẩn, chúng sẵn sàng đánh trả lại lực lượng chức năng để cướp lại hàng. Đơn cử, mới đây, khi đang tuần tra, kiểm soát tại ngách chợ Tân Thanh (chợ rau), Tổ Kiểm soát chống buôn lậu phát hiện xe ôtô 16 chỗ có 3 đối tượng đang bốc xếp hàng có dấu hiệu là hàng hoá nhập lậu.

Khi phát hiện lực lượng tuần tra, các đối tượng đã bỏ chạy, để lại xe ôtô và toàn bộ hàng hoá đã bốc xếp lên xe.

Trong quá trình đang chuẩn bị đưa xe ôtô và tang vật về cơ quan, có 2 đối tượng đến gây sự, thoá mạ tổ công tác với lời lẽ hung hãn và bất ngờ đánh thẳng vào mặt Tổ trưởng Tổ Kiểm soát hải quan Dương Văn Hùng. Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can về hành vi chống người thi hành công vụ.

Kiểm soát đường đi của hàng lậu vào nội địa

Có mặt tại Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (Trạm Dốc Quýt), huyện Cao Lộc, điểm chốt chặn quan trọng trong việc kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu từ biên giới Lạng Sơn lưu thông vào thị trường nội địa, chúng tôi thấy lưu lượng xe qua đây rất nhiều, trong đó có rất nhiều xe chở hàng hoá.

Trạm trưởng Trạm Dốc Quýt Bùi Văn Lợi cho biết, lực lượng liên ngành tại đây đã thường xuyên cắt cử lượng trực 24/24h để kiểm soát, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các vi phạm vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa nhập lậu… vào trong nội địa.

Theo ông Nguyễn Đình Dũng - Công chức thuế tại Trạm Dốc Quýt cho biết, hàng lậu giờ không qua đây mà xé lẻ đi tắt qua nhiều đường khác. Một số trường hợp qua đây, hàng hoá được hợp thức bằng hoá đơn bán hàng nên rất khó xử lý, bắt giữ.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có tổng số 137 lượt/vụ lực lượng liên ngành Trạm Dốc Quýt thực hiện kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa, tất cả đều vi phạm pháp luật kinh doanh, thương mại… với số tiền đã xử phạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã buộc các đối tượng vi phạm nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền 2,22 tỷ đồng thu lợi bất hợp pháp từ các vụ việc vi phạm đã phát hiện và xử lý. 

Các loại hàng hóa vi phạm chủ yếu là quần áo may mặc sẵn, hàng điện tử, điện gia dụng, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quạt hơi nước các loại, đồ dùng gia đình...

Theo ông Lợi, các trường hợp vi phạm bị xử lý chủ yếu là vận chuyển hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, do một số đối tượng thu gom hàng hóa trôi nổi của cư dân biên giới không có chứng từ nhập khẩu hợp pháp; hoặc thuê cư dân biên giới, cửu vạn xé lẻ hàng hóa thành khối lượng nhỏ mang vác trái phép qua biên giới vào Lạng Sơn theo các đường mòn.

Sau đó, các đối tượng tập kết, thu gom, xuất hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa rồi vận chuyển thuê vận chuyển về xuôi để tiêu thụ bằng các loại xe khách 16 chỗ ngồi, xe môtô 3 bánh... đi theo các tuyến đường liên xã, quốc lộ 1B, qua huyện Văn Quan - Bình Gia - Bắc Sơn và tuyến quốc lộ 279… để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Thượng uý Nông Huy Quỳnh, Công an tỉnh Lạng Sơn, cán bộ Trạm Dốc Quýt cho biết: Từ sau vụ cán bộ Thuế bị đâm chết trong lúc thi hành nhiệm vụ, các lực lượng chức năng tại Trạm Dốc Quýt đã tăng cường kiểm soát và trang bị kỹ năng cho các thành viên, để đảm bảo an toàn. Trạm Dốc Quýt đã và đang tăng cường triển khai lực lượng cũng như trinh sát, nắm tình hình địa bàn, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện vận chuyển hàng hoá qua trạm chính và qua các đường mòn, khu vực phụ cận thuộc địa bàn trạm quản lý 24/24h để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm.

Lưu Hiệp – Trần Hằng
.
.
.